Gian lận có tổ chức
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La vừa ban hành cáo trạng truy tố 8 bị can trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.
Dựa trên kết luận điều tra, cáo trạng nêu rõ, các bị can đều là những người được phân công chấm thi, bảo vệ đề thi và bài thi, nhưng đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn, câu kết với nhau thực hiện hành vi rút bài thi trắc nghiệm để sửa, nâng điểm, in khóa phách vòng 1 và vòng 2 để nâng điểm cho 44 thí sinh. Động cơ nâng điểm là vì vụ lợi và động cơ cá nhân khác.
Nhân vật quan trọng nhất trong vụ án gian lận điểm thi này là ông Trần Xuân Yến – nguyên Phó giám đốc Sở GDĐT tỉnh Sơn La.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, với tư cách là tổ trưởng Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm, ông Yến có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong tổ đúng theo quy chế, chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm.
Tuy nhiên, trước khi chấm thi, thông qua mối quan hệ đồng nghiệp, bạn bè, người thân, Yến đã nhận thông tin của 15 thí sinh để giúp nâng điểm thi.
Sau đó, Yến đưa danh sách này (gồm họ tên, số báo danh, địa điểm thi, các môn cần nâng điểm, mã đề thi và số điểm cần đạt được của từng thí sinh) cho Nguyễn Thị Hồng Nga – thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm để thực hiện nâng điểm.
Nga và các thành viên trong tổ chấm thi trắc nghiệm đã bắt tay, câu kết với một số cán bộ công an làm nhiệm vụ bảo vệ phòng chứa bài thi, để rút bài thi mang về nhà tẩy, xóa đáp án, sửa cho đến khi điểm đẹp, theo đúng “đặt hàng”.
Sau khi sửa trực tiếp trên bài thi của thí sinh, Nguyễn Thị Hồng Nga đã quét lại các túi đựng bài thi, xóa các file ảnh bài thi gốc đã quét trước đó. Khi quét lại bài thi, Nga đều thay đổi giờ trên máy tính để phù hợp với thời gian quét ảnh bài thi gốc.
Video khởi tố bị can, bắt tạm giam các đối tượng sửa bài, nâng điểm thi ở Sơn La. |
Thủ đoạn tiêu hủy chứng cứ
Ngày 11.7.2018, khi Bộ GDĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, dư luận cả nước đã đổ dồn sự chú ý về Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La – địa phương có điểm thi cao bất thường.
Ngay tại Sơn La, thí sinh, phụ huynh cũng xì xào, bàn tán về việc nhiều thí sinh ở tỉnh nhà, học lực được đánh giá là không nổi trội, nhưng có điểm thi cao chót vót. Nhiều thí sinh trong số này là con em của lãnh đạo, cán bộ các sở, ban, ngành trong tỉnh.
Ngày 18.7.2018, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký quyết định thành lập tổ công tác lên xác minh điểm thi bất thường ở Sơn La.
Theo cáo trạng, trước thông tin này, Trần Xuân Yến đã gọi Nga đến nhà riêng để trao đổi. Mặc dù kết quả bài thi gốc của thí sinh đã được xóa trên máy tính, nhưng vẫn có thể khôi phục lại được, các đối tượng bắt đầu lo sợ việc quét lại bài thi sau khi đã chỉnh sửa, nâng điểm bị bại lộ.
Gian lận thi cử tại Sơn La: Ẩn số về 7 thí sinh được nâng điểm môn Ngữ văn
Sau khi trao đổi, tìm cách, Yến đã bảo Nga tìm phần mềm trên mạng, xóa toàn bộ thùng rác trong máy tính, để không thể khôi phục lại bài thi gốc.
Nga sợ mất hết dữ liệu trong máy tính, nên Yến bảo Nga trước khi xóa thì sao lưu dữ liệu bài thi trong máy tính ra đĩa CD, đề phòng khi xóa bị mất hết dữ liệu thì sẽ sử dụng các đĩa này để đưa dữ liệu trở lại máy tính. Nga đã thực hiện theo và sao lưu dữ liệu ra 16 đĩa CD.
Sáng 19.7.2018, Nga đến phòng làm việc của Yến đưa 2 hộp đựng 16 đĩa CD chứa dữ liệu.
Sáng 20.7, sau khi làm việc với tổ công tác của Bộ GDĐT, biết được tổ công tác đã phát hiện sự việc sao lưu dữ liệu trong máy tính, Yến mang hai hộp đựng 16 đĩa CD này ra nghĩa trang nhân dân tỉnh Sơn La - một nơi vắng người qua lại - để đốt, tiêu hủy.
Việc tiêu hủy chứng cứ, dữ liệu bài thi gốc khiến công việc điều tra gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Bộ Công an đã phải sử dụng những máy móc, công nghệ tiên tiến nhất để giám định các bài thi trắc nghiệm nằm trong diện nghi ngờ sửa điểm.
Với nỗ lực của Bộ Công an và Bộ GDĐT, 9 tháng sau, kể từ khi vụ gian lận điểm thi bị phát hiện, mới có thể trả lại điểm thật cho các thí sinh.
Theo Đặng Chung (Lao Động)