Hôm qua 10-1, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với ông Hoàng Văn Toàn - nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank), tiền thân của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Quyết định khởi tố bị can này được thực hiện sau quyết định khởi tố vụ án của TAND TP.HCM khi xét xử đại án tại Ngân hàng xây dựng vừa tròn bốn tháng.
Sai phạm liên quan khoản thất thoát 470 tỉ đồng
Theo diễn biến tại phiên xử vụ thất thoát 9.000 tỉ đồng tại VNCB do Phạm Công Danh - nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng này và các đồng phạm, ông Hoàng Văn Toàn là chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín và cùng nhóm cổ đông Phú Mỹ sở hữu Ngân hàng Đại Tín cho đến tháng 6-2012 thì ký biên bản chuyển nhượng cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh làm đại diện) để nhóm này tái cơ cấu ngân hàng.
Trong thời gian này, công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc (các công ty con của tập đoàn Thiên Thanh) làm hồ sơ vay của Đại Tín số tiền 650 tỉ bằng việc thế chấp tài sản là các lô đất tại Đà Nẵng.
Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm cho thấy số tiền không thu hồi được từ khoản vay của hai công ty này đến nay là 470 tỷ đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Toàn và một số thành viên khác của Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín thừa nhận đã tham gia phê duyệt cấp tín dụng cho 2 công ty trên.
Mặc dù không tổ chức họp hội đồng tín dụng nhưng ông Toàn vẫn ký biểu quyết đồng ý trên biên bản họp hội đồng tín dụng bởi nhóm này rằng có hồ sơ vay đầy đủ, có tài sản bảo đảm để được duyệt vay.
Bản án sơ thẩm xác định hành vi duyệt cho vay các khoản tiền trên của Toàn và những thành viên Hội đồng tín dụng là vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Sau khi TAND TP.HCM tuyên án vụ Phạm Công Danh đồng thời quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan vi phạm của nhóm Hội đồng tín dụng, ông Hoàng Văn Toàn đã có đơn kháng cáo quyết định khởi tố vụ án trên.
Tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh, khi trình bày đơn kháng cáo của mình, ông Toàn cho rằng hậu quả của việc cho vay dẫn đến thiệt hại 470 tỉ đồng là do lúc đó nhóm cổ đông Thiên Thanh đã tiếp nhận ngân hàng, vai trò của ông Toàn không còn gì ở Đại Tín.
Ông Toàn cũng cho rằng từ tháng 2-2012 đến tháng 10-2012 ông Toàn chỉ đứng tên trên danh nghĩa, thực tế ông Hà Văn Thắm đã cho người vào tiếp cận và điều hành ngân hàng này.
Việc cho hai công ty Đại Hoàng Phương và Thịnh Quốc vay tiền diễn ra vào tháng 11 và 12-2012. Khi đó, ông Toàn đã ký quyết định bổ nhiệm Phan Thành Mai (người của Phạm Công Danh) làm Phó Tổng giám đốc VNCB.
Đảm bảo quyền của ông Toàn tại phiên tòa Phạm Công Danh
Tuy nhiên, ngay khi phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh vẫn đang chưa kết thúc thì ông Hoàng Văn Toàn và một số thành viên khác của Trust Bank đã bị khởi tố, bắt tạm giam để phục vụ điều tra.
Việc bị khởi tố của ông Toàn và nhóm bị can có liên quan đến vụ án Phạm Công Danh có bị hạn chế quyền kháng cáo và các quyền khác tại phiên tòa phúc thẩm vụ án đang diễn ra hay không.
Tại phiên tòa sáng 11-1, hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh cũng công bố thông tin về việc C46 bắt tạm giam ông Toàn và các thành viên khác của Hội đồng tín dụng ngân hàng Đại Tín.
Tại tòa, HĐXX cũng thông báo dù ông Hoàng Văn Toàn và các bị can khác đang bị khởi tố và bắt tạm giam nhưng tại phiên tòa này, quyền lợi của họ vẫn được bảo đảm. HĐXX sẽ tạo mọi điều kiện để ông Toàn được tham gia phiên tòa cũng như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Liên quan đến tư cách tố tụng của ông Toàn, trao đổi với Tuổi Trẻ, một thẩm phán cho rằng tại phiên tòa phúc thẩm vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm, ông Toàn và những người trong nhóm cổ đông Phú Mỹ (vừa bị khởi tố) được xác định là người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Việc ông Toàn và các bị can khác bị khởi tố không ảnh hưởng đến tư cách tố tụng của họ. Mọi quyền lợi của các bị can vẫn được đảm bảo trong phiên tòa này. Luật sư bảo vệ cho ông Toàn cũng sẽ vẫn tiến hành các công việc của mình bình thường.
Ngoài hành vi liên quan đến vụ án Phạm Công Danh, ông Hoàng Văn Toàn còn được xác định là người ký phê duyệt để ngân hàng Đại Tín mua căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch với giá 1200 tỷ đồng của bà Hứa Thị Phấn trong khi giá thực tế được xác định chỉ hơn 200 tỷ đồng. Việc làm này của ông Toàn đã gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín hơn 1000 tỷ đồng. |
Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)