Vì sao đồng nghiệp thay đổi lời khai về bị cáo Hoàng Công Lương?

22/05/2018 18:27:55

Video: 6 điều cần biết việc bác sĩ Hoàng Công Lương giữ quyền im lặng tại tòa

Trả lời VKS về lý do ghi thêm nội dung "phân công nhiệm vụ" cho bác sĩ Hoàng Công Lương, nam điều dưỡng đồng nghiệp nói đã làm theo chỉ đạo của lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực.

Chiều 22/5, đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình xét hỏi cán bộ khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) về việc ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Hoàng Công Lương sau khi sự cố chạy thận xảy ra làm 9 người tử vong.

Điều dưỡng trưởng ghi thêm vào sổ giao ban theo chỉ đạo

Đại diện VKSND tỉnh Hòa Bình hỏi ông Đinh Tiến Công (Điều dưỡng trưởng của khoa Hồi sức tích cực) về việc ông này đã ghi thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương vào sổ họp giao ban sau khi xảy ra sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong.

Trả lời câu hỏi của công tố viên, ông Công nói: “Tôi xác nhận lời khai hôm qua là đúng”. Nghe vị trưởng khoa khai, hàng chục người theo dõi phiên tòa qua tivi đã đồng loạt vỗ tay.

VKS tiếp tục hỏi: “Vì sao ông thay đổi lời khai so với trước đó”. Trả lời nữ công tố, ông Công cho rằng đó là thực tế đã diễn ra. Người này lý giải, bản thân ông lúc đó chưa xác định được trách nhiệm của mình với việc ghi chép nội dung các cuộc họp.

Vì sao đồng nghiệp thay đổi lời khai về bị cáo Hoàng Công Lương?
Ông Hoàng Đình Khiếu trả lời trước HĐXX. Ảnh: TAND Hòa Bình.

Nghe nữ công tố viên hỏi dồn dập về việc ghi chép nội dung từng gây bất lợi cho bị cáo Lương, ông Công tiếp tục giải trình. Theo đó, việc ghi nội dung phân công nhiệm vụ cho Hoàng Công Lương được ông Công thực hiện ngay tại khoa Hồi sức, có lãnh đạo khoa là các ông Hoàng Đình Khiếu và Hoàng Công Tình chứng kiến.

“Bác sĩ Khiếu và bác sĩ Tình có chỉ đạo anh làm việc này không”, trả lời đại diện VSK, ông Công nói: “Có”.

"Cụ thể lời chỉ đạo của họ như thế nào?". Đinh Tiến Công trả lời: “Thời gian lâu quá nên tôi không nhớ được chi tiết”.

Để khẳng định những lời khai này, đại diện VKS yêu cầu ông Hoàng Đình Khiếu (Trưởng khoa Hồi sức) lên đối chất một lần nữa.

Theo tường trình của ông Khiếu, giai đoạn xảy ra vụ việc, ông là Phó giám đốc bệnh viện kiêm Trưởng khoa Hồi sức. Khi sự cố bùng phát, nhiều giấy tờ và hồ sơ liên quan chưa hoàn thiện. Do đó, ông đã nói chỉ đạo cấp dưới hoàn tất những thủ tục còn dang dở.

"Điều dưỡng Công ghi vào sổ như thế nào, cái đó tôi không biết", ông Khiếu quả quyết.

Đại diện VKS đặt câu hỏi: “Ông có khẳng định lại việc phân công nhiệm vụ cho bác sĩ Lương có như lời khai của những người liên quan không?”. Vị trưởng khoa nói, với lương tâm của bản thân, ông xác nhận việc phân công cho các bác sĩ nhằm đảm bảo chuyên môn và an toàn cho người bệnh.

Ngoài ra, ông Khiếu cho hay các cán bộ, nhân viên trong khoa đã biết việc phân công này.

Vì sao đồng nghiệp thay đổi lời khai về bị cáo Hoàng Công Lương? - 1
Bị cáo Hoàng Công Lương thường xuất hiện tại tòa với chiếc áo sơ mi màu xanh. Ảnh: Hoàng Lam.

Sự cố chạy thận làm 9 người chết chưa từng xảy ra trên thế giới

Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) được HĐXX mời đến tòa. Vị đại diện cho hay theo Nghị định 85 và văn bản hướng dẫn liên quan, các bệnh viện được phép sử dụng máy lọc thận của doanh nghiệp theo hình thức xã hội hóa, nhưng phải đảm bảo theo tiêu chuẩn của cơ quan chức năng ban hành.

Trong vụ việc xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, ông Quang khẳng định cơ sở này có được vận hành hệ thống lọc thận hay không, thuộc thẩm quyền cho phép của Sở Y tế tỉnh.

“Chúng ta cần xem xét việc lắp đặt máy lọc thận ở cơ sở này có tuân thủ theo các quy định hiện hành hay không?”, ông Vụ trưởng nhận định.

Nói về tiêu chuẩn dành cho hệ thống nước phục vụ chạy lọc thận, ông Quang cho rằng đối với hệ thống lọc nước như RO, tiêu chuẩn phải đảm bảo theo quy chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ và của nhà sản xuất thiết bị.

“Về sự cố làm 9 người chết, Bộ có thấy được trách nhiệm của mình không?”, chủ tọa truy vấn.

Đại diện Bộ Y tế trả lời, đó là vụ việc nghiêm trọng. Sự cố không chỉ ảnh hưởng uy tín của ngành y tỉnh Hòa Bình mà của cả hệ thống y tế cả nước.

Vì sao đồng nghiệp thay đổi lời khai về bị cáo Hoàng Công Lương? - 2
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế). Ảnh: H.T.

Tiếp đó, ông Nguyễn Trọng Quang (Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế) trả lời HĐXX. Ông này khẳng định Bệnh viện Bạch Mai là đơn vị chỉ đạo tuyến, đầu ngành về lọc thận nhân tạo. Bộ đã giao bệnh viện này tập huấn kỹ năng chuyên môn cho các cơ sở khám chữa bệnh khác.

Nói về sự cố xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, vị Phó Cục trưởng đánh giá vụ 9 người tử vong ở nơi đây là một sự cố thế giới chưa từng có. Về nguyên tắc, sự cố y khoa xảy ra thực sự là điều không mong muốn.

“Chúng tôi nhận thấy, hóa chất sử dụng màng lọc trong vụ việc này là chất độc. Hóa chất này thường không được sử dụng khi rửa màng lọc mà phải sử dụng hóa chất an toàn hơn”, ông Quang khẳng định.

Theo cáo trạng, ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn tại axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.

Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo - đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)