Ngày 28/11, TAND TP HCM tiếp tục xét xử Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm", 43 tuổi), Trần Phương Bình (cựu Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á) và 24 bị cáo khác liên quan thiệt hại 3.608 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.
Trước khi bước vào phần xét hỏi chiều nay, HĐXX quyết định cách ly 2 bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm") và Nguyễn Thị Ái Lan (cựu Trưởng phòng quản lý tài sản nợ của Ngân hàng Đông Á) tại trại giam. Hai bị cáo này sẽ được trích xuất đến tòa trong thời điểm cần thiết.
Đây cũng là 2 bị cáo trong vụ án không thừa nhận hành vi phạm tội. Bà Lan phủ nhận cáo buộc gây thiệt hại 820 tỷ đồng cho Ngân hàng Đông Á. Riêng Vũ "nhôm" liên tục kêu oan trong ngày khai tòa.
Vì sao Vũ "nhôm" kêu oan?
Theo cáo trạng, ông Vũ đã lạm dụng quyền hạn, chức vụ chiếm đoạt gần 203 tỷ đồng của ngân hàng TMCP Đông Á (Ngân hàng Đông Á) thông qua việc mua gần 13% cổ phần của ngân hàng này.
Cụ thể, hồi năm 2013, ngân hàng Đông Á hoạt động sa sút, thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ. Ông Trần Phương Bình ra chủ trương tăng vốn điều lệ từ 5.000 lên 6.000 tỷ đồng để thu hút đầu tư, có tiền xử lý khó khăn tài chính.
Do đó, nguyên Tổng giám đốc ngân hàng Đông Á thống nhất bán cho Vũ "nhôm" 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng. Đồng nghĩa với việc, ông Vũ trở thành cổ đông lớn nhất có quyền chi phối mọi hoạt động của ngân hàng Đông Á.
Để mua lại số cổ phần nói trên, Vũ "nhôm" thế chấp 220 lô đất tại thành phố Đà Nẵng để vay 400 tỷ đồng của chính ngân hàng Đông Á. Đối với 200 tỷ còn lại, Vũ phải ký chứng từ nộp khống cho ngân hàng Đông Á. Ông Bình sau đó chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi khống, chuyển tiền vào tài khoản của công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79.
Sau đó, ngân hàng Đông Á tăng vốn điều lệ thất bại đã chuyển trả cho Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 khoản tiền 600 tỷ đồng và lãi phát sinh khoảng 9,5 tỷ đồng. Cáo trạng thể hiện ông Vũ chỉ nộp 400 tỷ đồng, như vậy ngân hàng Đông Á bị thiệt hại hơn 200 tỷ.
Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Vũ kêu oan đối với những cáo buộc trên. Ông ta cho rằng, bản thân chỉ hợp tác làm ăn cùng với ông Bình để mua 60 triệu cổ phần của Ngân hàng Đông Á. Đối với hơn 200 tỷ bị cáo buộc chiếm đoạt của Ngân hàng Đông Á, Vũ cho rằng bản thân nhầm tưởng đây là tiền của cá nhân ông Bình.
Trong phần thẩm vấn lý lịch, Vũ cũng nhiều lần kêu oan: "Trong vụ án này, oan bị cáo quá".
Nữ bị cáo bị cách ly cùng Vũ "nhôm"
Nữ bị cáo bị cách ly cùng với Vũ "nhôm", bà Nguyễn Thị Ái Lan bị truy tố phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".
Những sai phạm này thể hiện ở 2 hành vi: Kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại gần 353 tỷ đồng và chi lãi suất ngoài trái phép gây thiệt hại 468 tỷ đồng. Tổng cộng, Lan đã gây thiệt hại của Ngân hàng Đông Á hơn 820 tỷ đồng. Nhưng quá trình điều tra, bị cáo này không thừa nhận hành vi phạm tội.
Đối với hành vi chi lãi suất ngoài trái phép gây thiệt hại gần 468 tỷ đồng, hồ sơ thể hiện, ngày 3/3/2011, Ngân hàng Nhà nước có quy định các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam không vượt quá 14%/năm.
Tuy nhiên, Trần Phương Bình, Nguyễn Thị Kim Xuyến và Nguyễn Thị Ái Lan đã thống nhất chi lãi suất ngoài lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước để huy động vốn.
Hồ sơ vụ án thể hiện, trong khoảng thời gian từ ngày 4/3/2011 đến ngày 7/4/2015, Xuyến và Lan chỉ đạo các nhân viên cấp dưới tiến hành thực hiện chi tiền lãi ngoài cho 219 đơn vị kinh doanh.
Quá trình điều tra, 2 cựu lãnh đạo Ngân hàng Đông Á và các cấp dưới của Lan đều thừa nhận hành vi sai phạm về việc chi lãi suất ngoài vượt mức Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Trong khi đó, Lan phủ nhận, cho rằng không liên quan đến hành vi phạm tội. Tương tự, bị cáo Lan cũng không thừa nhận có liên quan đến hành vi kinh doanh ngoại hối trái phép.
Theo Quốc Chiến (Soha/Helino)