Phiên tòa "khuấy đảo" cộng đồng mạng
Trước đó, sáng 13/11, TAND thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) mở phiên tòa sơ thẩm, đưa các đối tượng gồm: Ngô Bá Khá (tức Khá "bảnh", SN 1993, ở Từ Sơn); Nguyễn Văn Quang (32 tuổi), Nguyễn Hữu Hội (30 tuổi), Ngô Lương An (34 tuổi), Nguyễn Trọng Công (26 tuổi) và Trịnh Hữu Quý (27 tuổi) ra xét xử về về các tội "Đánh bạc" và "Tổ chức đánh bạc".
Theo cáo trạng, Khá "bảnh" có nhân thân xấu, quan hệ xã hội phức tạp và không nghề nghiệp ổn định. Dù đã có thu nhập tốt từ việc tham gia các MV quảng cáo, thu nhập từ Youtube do là một "hiện tượng mạng xã hội" nhưng Khá vẫn tìm cách kiếm thêm bất chính, tổ chức đánh bạc bằng hình thức chơi số lô, số đề. Hàng ngày, người chơi lô đề và các "chân rết" của đường dây sẽ liên hệ qua điện thoại di động hoặc tài khoản mạng xã hội của Khá "bảnh" để giao dịch số lô, đề. Mọi kết quả trúng thưởng dựa trên kết quả xổ số miền Bắc trong ngày. Khá "bảnh" quy định các giao dịch trong ngày kết thúc trước 18h15 (giờ mở thưởng kết quả xổ số miền Bắc).
Ngoài cáo buộc tổ chức đánh bạc, cơ quan tố tụng còn quy buộc Khá và đồng bọn đã đánh bạc bằng hình thức nêu trên. Trong hơn 40 ngày, Khá và đồng bọn đã giao dịch gần 5 tỷ đồng từ việc ghi lô, đề. Khá hưởng lợi gần 300 triệu. Cũng theo cáo trạng, Khá "bảnh" có nhiều tiền án, tiền sự, nghiện ma tuý, nằm trong diện quản lý của công an. Năm 2011 và 2014, Khá "bảnh" bị đưa vào trường giáo dưỡng vì gây rối trật tự công cộng. Năm 2016, Khá "bảnh" bị Công an thị xã Từ Sơn bắt về tội cố ý gây thương tích và gây rối trật tự công cộng.
Sau một thời gian ra tù, Khá "bảnh" bỗng trở nên giàu có vào năm 2017. Đây là khoảng thời gian Khá "bảnh" sử dụng YouTube bằng tài khoản "Khá Bảnh". Với gần 2 triệu người theo dõi, Khá được trả tiền cho mỗi video đăng lên. Có tháng, Khá "bảnh" thu được gần 20.000 USD (tương đương 400 triệu đồng).
Phiên tòa thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận. Lượng người có mặt trực tiếp tại TAND thị xã Từ Sơn vào sáng 13/11 cũng rất đông.
Tại tòa, Khá "bảnh" và đồng bọn đều cúi đầu thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Sau nửa ngày làm việc tích cực và công tâm, HĐXX – TAND thị xã Từ Sơn đã tuyên Ngô Bá Khá (tức Khá "bảnh") tổng mức án cho 2 tội danh nêu trên là 10 năm 6 tháng tù và xử phạt 30 triệu đồng.
Các bị cáo: Nguyễn Văn Quang (SN 1987, trú tại xã Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) 5 năm tù; Nguyễn Hữu Hội (SN 1989, trú tại xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) 8 năm 6 tháng tù; Ngô Lương An (SN 1985, trú tại xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) 20 tháng tù; Trịnh Hữu Quý (SN 1992, trú tại xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, Bắc Ninh) 12 tháng tù và Nguyễn Trọng Công 15 tháng tù.
Mức án thể hiện sự khoan hồng của pháp luật
Liên quan tới những tranh luận xung quanh mức án dành cho Khá "bảnh", trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải (Văn phòng luật sư Vạn Xuân Hà Nội) bày tỏ: Mức án mà HĐXX tuyên đối với bị cáo Ngô Bá Khá không những là đúng người, đúng tội mà còn cần thiết đối với xã hội, với dư luận, nó giúp định hướng một lượng không nhỏ các bạn trẻ hiện nay đã và đang xem Khá "bảnh" như một thần tượng về lối sống "lệch chuẩn". Quy chiếu vào quy định của pháp luật, mức án 10 năm 6 tháng tù dành cho Khá "bảnh" về 2 tội danh trên thậm chí còn thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Bởi lẽ, theo ông Hải, riêng về hành vi "tổ chức đánh bạc" thì mức án cao nhất mà Ngô Bá Khá có thể phải đối diện là 10 năm tù giam vì nguồn lời bất chính mà Khá nhận được từ hành vi này lên tới 300 triệu đồng, thuộc khoản 2 Điều 322 BLHS năm 2015.
Điều 322. Tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc quy định:
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
b) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên;
Trên thực tế VKS đề nghị mức án dành cho Khá về tội danh này là 6,5 - 7 năm tù. Sau đó, HĐXX tuyên 6 năm 6 tháng tù tội danh "tổ chức đánh bạc" cho Ngô Bá Khá.
Về tội danh thứ 2 "đánh bạc", Ngô Bá Khá bị truy tố theo khoản 2, Điều 321 BLHS 2015. Đánh giá lời khai của các bị cáo tại tòa và những tài liệu thu thập được, VKS để nghị tòa tuyên Khá 3,5 - 4 năm tù. Sau đó HĐXX tuyên 4 năm tù cho Ngô Bá Khá. Trong khi kịch khung của tội này theo khoản 2 lên tới 7 năm tù.
Đối với mức hình phạt dành cho những bị cáo còn lại, theo ông Hải là hoàn toàn phù hợp.
"So" với Phan Sào Nam
Sau phiên tòa sơ thẩm xử Khá "bảnh" và đồng bọn, mới đây trên mạng xã hội xuất hiện khá nhiều tranh luận. Có người thắc mắc vì sao trong khi Khá "bảnh" phải nhận mức án là 6,6 năm tù với tổng giá trị khoảng gần 5 tỷ đồng, còn Phan Sào Nam lại chỉ phải nhận mức án 2 năm tù cho tội danh "Tổ chức đánh bạc" với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Lý giải về khía cạnh này, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải cho biết thêm: Đối với những người không tìm hiểu sâu về luật thì thắc mắc như trên là hoàn toàn dễ hiểu. Để lý giải cho việc áp dụng hình phạt nêu trên trong 2 trường hợp Khá "bảnh" và Phan Sào Nam, cần hiểu nguyên tắc lượng hình được quy định trong BLHS Việt Nam.
Cụ thể, để quyết định mức hình phạt đối với một người phạm tội, HĐXX phải cân nhắc rất nhiều các yếu tố như: Tính chất, mức độ của tội phạm gây ra đối với xã hội; nhân thân của từng bị cáo; động cơ, mục đích thực hiện tội phạm; việc khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra; thái độ ăn năn, hối cải; các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự…..
Chính vì vậy, sẽ có trường hợp nhiều người cùng thực hiện một tội phạm, nhưng hình phạt của người này lại nhẹ hơn người khác, có người được quyết định mức án dưới cả khung hình phạt, hay có người được hưởng án treo, nhưng có người lại phải chịu án giam, thậm chí là cao.
Cách quyết định hình phạt đối với một người phạm tội là sự vận dụng linh hoạt của rất nhiều các quy định pháp luật trong BLHS, chứ không phải tính theo một cách cơ học. Nếu là sự cộng cơ học theo một công thức có sẵn thì đã không cần phải duy trì cả một hệ thống các cơ quan tư pháp như hiện nay.
Khung hình phạt của cả Khá "bảnh" và Phan Sào Nam bị truy tố về tội "Tổ chức đánh bạc" theo khoản 2, Điều 322 BLHS 2015 có khung hình phạt từ 5-10 năm tù. Tuy nhiên, Phan Sào Nam có rất nhiều yếu tố giảm nhẹ như: Giao nộp lại gần như toàn bộ số tiền hưởng lợi, có nhân thân tốt, có nhiều thành tích trong công tác. Trong khi đó Khá "bảnh" lại có lai lịch bất hảo, ý thức chấp hành pháp luật kém.
Có thể nói, đường lối, định hướng xử lý trong pháp luật hình sự Việt Nam luôn đề cao sự khoan hồng, giảm nhẹ đối với những người phạm tội lần đầu, có thái độ ăn năn hối cải, chủ động khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra…và tăng nặng hình phạt đối với những người tái phạm, đã từng có tiền án, tiền sự…
Theo Đại Phong (Giadinh.net.vn)