Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tống đạt cáo trạng vụ án 9 bệnh nhân chạy thận tử vong xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương trước đây bị khởi tố, truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nay tội danh bị truy tố thay đổi thành vô ý làm chết người.
Đây là lần thứ 3, bác sĩ Hoàng Công Lương bị thay đổi tội danh. Đầu tiên là tội danh "Vi phạm quy định khám chữa bệnh", tiếp theo đổi sang tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" và giờ đây là "Vô ý làm chết người".
Về việc thay đổi tội danh truy tố này, luật sư Hoàng Trọng Giáp - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng:"Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cơ quan tố tụng xét thấy hành vi phạm tội không phù hợp với tội danh đã được điều tra, kết luận điều tra cũng như đang truy tố xét xử thì có thể điều tra, truy tố với một tội danh khác phù hợp hơn".
“Ví dụ như trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương, cơ quan tố tụng điều tra, xét xử và cáo buộc bị cáo với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi xét xử vụ án cơ quan tố tụng thấy những hành vi của bác sĩ Lương không phù hợp với tội danh đó có thể trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Quá trình điều tra bổ sung cơ quan điều tra xét thấy hành vi của bác sĩ Lương phù hợp với tội danh vô ý làm chết người không phải tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.” – Luật sư Giáp cho biết.
Cũng theo luật sư Giáp, mức án của tội danh vô ý làm chết người sẽ nhẹ hơn so với mức án của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung) khung hình phạt cao nhất của tội danh vô ý làm chết người là 10 năm tù (Điều 128), còn tội danh tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng là 12 năm tù (khoản 3, Điều 360).
“Trong trường hợp này, hậu quả vụ việc khiến 9 chết người, nếu áp dụng tội danh cũ thì khung hình phạt sẽ là 12 năm tù. Tuy nhiên, trước đây, Viện kiểm sát có đề nghị phạt bác sĩ Lương từ 30 đến 36 tháng tù, cho hưởng án treo” – Luật sư Giáp cho biết thêm.
Theo Bảo Linh (Dân Việt)