Vị khách đặc biệt tại phiên tòa xử "cậu Thủy" và đồng phạm

17/10/2015 08:50:17

Bao năm tâm huyết với việc tìm kiếm mộ liệt sĩ, quê ở tận Ninh Bình, người cựu chiến binh ấy vẫn vào Quảng Trị để dự phiên xử tòa xét xử cậu Thủy và đồng phạm.

Bao năm tâm huyết với việc tìm kiếm mộ liệt sĩ, quê ở tận Ninh Bình, người cựu chiến binh ấy vẫn vào Quảng Trị để dự phiên xử tòa xét xử cậu Thủy và đồng phạm.
Theo đó, 6 người bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (theo khoản 4, điều 139 Bộ luật hình sự - cao nhất là chung thân) và Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt (khoản 2, điều 246) gồm: Nguyễn Văn Thúy (tức cậu Thủy, 56 tuổi, trú thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, Bắc Ninh), Mẫn Thị Duyên (53 tuổi, vợ Thúy), Mẫn Đức Phương (37 tuổi, em ruột Duyên); Nguyễn Trường Sơn (28 tuổi) và Nguyễn Anh Chiều (32 tuổi, đều là con rể Duyên) cùng Nguyễn Văn Hoành (46 tuổi, em ruột Thúy).
 
Đối tượng Vũ Đức Chung (69 tuổi, trú thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum) bị truy tố tội xâm phạm mồ mả, hài cốt. Vũ Đức Chung bị cáo buộc nhận 30 triệu đồng của Thúy để đồng bọn của tên này lấy trộm một số hài cốt liệt sĩ vô danh tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đắk Tô (tỉnh Kon Tum).
 
Riêng đối tượng Nguyễn Văn Hoành còn bị truy tố tội Trộm cắp tài sản do lấy cắp một máy tay xách tay của bị hại trong vụ án.
 
Tham dự phiên tòa có khoảng gần 300 người, có cả các cựu chiến binh, người nhà của những bị hại. Trong đó, PV để ý một người đàn ông nói giọng bắc, trên bàn để khá nhiều di ảnh. Bắt chuyện mới biết, ông ở tận ngoài Bắc vào đây từ hôm qua để kịp dự phiên tòa.
 
Ông Phạm Văn Nghiêm sinh năm 1949, ở Hoa Lư (Ninh Bình). Thời trai trẻ, ông tham gia bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và chiến đấu nhiều năm ở chiến trường Quảng Trị khốc liệt.
 
Ông từng tham gia trận đánh ở làng Vây, một trận đánh then chốt trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh của quân đội ta, diễn ra vào đêm ngày 6/2, rạng sáng ngày 7/2/1968.
 
Sau khi đất nước giải phóng, ông phục viên trở về địa phương mang trên mình thương tật 2/4 (78%).
 
Đến năm 2007, khi thấy còn nhiều thân nhân đồng đội của mình vẫn chưa tìm được hài cốt của những người đã ngã xuống. Ông bắt đầu hành trình tìm mộ liệt sĩ, trước hết là tìm mộ cho chính những đồng đội mình. Mảnh đất Quảng Trị là nơi mà ông đi lại thương xuyên. Ông bảo có năm đi 4-5 lần.
 

Ông Phạm Văn Nghiêm (đeo kính) chăm chú lắng nghe phiên xét xử.

 
Nhân kỷ niệm ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7/2012, ông Nghiêm cùng các đồng đội của mình trong Trung đoàn 101, Sư đoàn 325C, lữ đoàn 101 Hải quân đánh bộ đã khánh thành nhà Đồng Đội tại đồi Phú Ân xã Hải Thái, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị để thờ các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh tại trận đánh Phú Ân (13/10/1967).
 
Ông Nghiêm cho biết, ông theo dõi vụ Nguyễn Văn Thúy và đồng phạm từ khi bị bắt đến ngày xét xử.
 
“Hôm nay, tôi muốn đến trực tiếp đây để theo dõi phiên tòa. Để chứng kiến cậu Thủy và đồng lõa đứng trước vành móng ngựa và bị pháp luật trừng trị về những việc làm sai trái của mình”, ông chia sẻ.
 
Đến sự phiên tòa, ông còn mang theo di ảnh của những đồng đội của mình. Đó là những liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Nói như ông, ông muốn anh linh của những động đội của mình thấy được sự nghiêm minh của pháp luật đối với những kẻ lợi dụng vấn đề tâm linh để trục lợi và mong họ được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng, yên tâm tin tưởng vào những người tìm kiếm mộ liệt sĩ chân chính.
 
“Tham dự phiên tòa, tôi cũng mong muốn cập nhật được những thông tin bổ ích để sau này có thể tuyên truyền, cũng như cảnh báo cho nhân thân của những liệt sỹ đang tìm kiếm hài cốt, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, mưu đồ xấu nhằm trục lợi…”, ông Nghiêm cho biết thêm.
 

Nhiều thương binh cũng đến dự phiên tòa, họ mang theo di ảnh của những đồng đội.

 
Khoảng 17h cùng ngày, thay mặt Hội đồng xét xử, thẩm phán Võ Ngọc Mậu đã đọc bản tuyên án.
 
Trong bản tuyên án có nhấn mạnh hành vi phạm tội của các bị cáo Thúy và đồng phạm là đặc biệt nghiêm trọng, diễn ra nhiều lần, lừa nhiều người và lừa trên diện rộng trên với nhiều tỉnh thành… Rõ ràng thiệt hại về vật chất là rất lớn, tuy nhiên bên cạnh đó những thiệt hại về mặt phi vật chất là không thể bù đắp được.
 
Theo đó, thẩm phán Võ Ngọc Mậu tuyên án: Nguyễn Văn Thúy (tức Cậu Thủy) mức án chung thân, Mẫn Thị Duyên 25 năm tù, Nguyễn Văn Hoành 23 năm tù, Nguyễn Trường Sơn 15 năm tù, Mẫn Đức Phương 18 năm tù, Nguyễn Anh Chiều 5 năm tù, Vũ Đức Chung 1 năm tù cho hưởng án treo, thử thách tại địa phương 2 năm.
 

Các bị cáo nghe tòa tuyên án.

 
Về trách nhiệm dân sự, các bị cáo buộc phải trả lại số tiền lừa đảo của Công đoàn Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam là 7 tỷ đồng và 957.500.000 đồng cho các thân nhân liệt sĩ bị lừa khác.
 
Về xử lý vật chứng, chiếc xe ô tô, đối tượng Nguyễn Văn Thúy dùng để đi lừa đảo và số tiền 30.000.000 đồng mà bị cáo Vũ Đức Chung trả lại sẽ được xung vào công quỹ nhà nước. Một số vật chứng như các đồ mà nhóm này làm giả như: dép cao su, bi đông…sẽ bị tiêu hủy.
 
Trao đổi với PV về kết quả bản tuyên án, ông Phạm Văn Nghiêm chia sẻ: “Tôi hài lòng về hình phạt mà hội đồng xét xử tuyên án với cậu Thủy và đồng lõa. Nó đã thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.
 
Điều mà tôi vẫn canh cánh là không biết những hài cốt mà Thúy đã lừa để các thân nhân chôn cất sẽ được xử lý như thế nào. Tôi hi vọng, những hài cốt đó sẽ được chôn cất ngay tại nghĩa trang địa phương nơi ở của các thân nhân, tránh việc di chuyển đi đi lại lại quá nhiều.”
 
>> Quái chiêu lừa đảo táng tận lương tâm của "cậu Thủy"
>> Làm giả hài cốt liệt sĩ, "cậu Thủy" lĩnh án chung thân
>> “Cậu Thủy” và đồng bọn từng đưa hài cốt về … ngủ chung!
>> Vợ chồng “cậu Thủy” cùng đồng phạm hầu tòa
>> Lý lịch tù tội của vợ chồng "cậu Thủy"
>> "Cậu Thủy" đối diện án chung thân
 
Theo Lê Kông (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật