Tuyên án vụ Dược phẩm Cửu Long: Cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang lĩnh 30 tháng tù treo

24/11/2022 11:27:39

HĐXX xét thấy bị cáo Cao Minh Quang có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen, mắc nhiều bệnh, tự nguyện khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng…

Ngày 24/11, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án với 8 bị cáo trong vụ án “biển thủ” 3,8 triệu USD xảy ra tại Dược Cửu Long, liên quan đến tiền mua nguyên liệu thuốc phòng chống cúm A-H5N1.

Cụ thể, HĐXX tuyên phạt cựu Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang mức án 30 tháng tù treo; Dương Huy Liệu (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế): 24 tháng tù treo; Nguyễn Nam Liên, cựu Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, Phó Trưởng ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế: 24 tháng tù;Phạm Thị Minh Nga, chuyên viên Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế, cựu Kế toán trưởng Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch cúm A (H5N1) Bộ Y tế: 15 tháng tù treo; Nguyễn Việt Hùng, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế: 30 tháng tù. Cộng với bản án cũ, bị cáo phải chấp hành hình phạt chung là 5 năm 6 tháng tù.

Về dân sự, tòa ghi nhận bị cáo Cao Minh Quang và đồng phạm tại Bộ Y tế đã nộp khắc phục tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng. Còn Lương Văn Hóa cùng thuộc cấp nộp khắc phục gần 1,5 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được trừ vào khoản mà Công ty Dược Cửu Long phải bồi thường cho Bộ Y tế. Như vậy, HĐXX buộc Công ty Dược Cửu Long còn phải nộp khắc phục hơn 58 tỷ đồng.

Bị cáo Quang Minh Quang tại phiên tòa trước đó.

Trước đó, những người trên bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 285, khoản 2 - Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo nhận định của HĐXX, căn cứ vào hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, lời khai của các bị cáo tại phiên tòa, có đủ cơ sở kết luận các bị cáo đã có hành vi vi phạm như cáo trạng truy tố.

Cáo trạng thể hiện, Lương Văn Hóa là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Dược Cửu Long, phải chịu trách nhiệm chính về những sai phạm tại doanh nghiệp này.

Bị cáo Hóa biết rõ các quy định của pháp luật, nhưng khi Dược Cửu Long được giảm giá mua nguyên liệu, ông này đã chỉ đạo giữ lại hơn 3,8 triệu USD để sử dụng mà không báo cáo Bộ Y tế. Trong vụ án, bị cáo giữ vai trò phạm tội cao nhất.

Về phía Bộ Y tế, hành vi của các bị cáo thuộc cơ quan này cũng bị đánh giá là nguy hiểm cho xã hội. Các bị cáo giữ nhiều chức vụ trong cơ quan nhà nước, được giao trách nhiệm trong việc quản lý sử dụng tài sản công nhưng thiếu ý thức trong việc nghiệm thu thanh quyết toán hợp đồng , kiểm tra, rà soát đối chiếu đánh giá thực hiện hợp đồng. Chuỗi hành vi dẫn đến thiệt hại cho nhà nước hơn 3,8 triệu USD.

Trong đó, bị cáo Cao Minh Quang với tư cách trưởng ban chỉ đạo giải quyết những vấn đề liên quan đến thuốc Tamiflu và Oseltamivir, ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra tình hình mua, bảo quản, sử dụng thuốc.

Dù biết Dược Cửu Long chưa thanh toán 3,8 triệu USD nhưng bị cáo không chỉ đạo làm rõ. Khi Bộ Tài chính và Bộ Y tế đều có chỉ đạo kiểm tra đối với số tiền này, bị cáo cũng không chỉ đạo kiểm tra.

Quá trình cân nhắc hình phạt, HĐXX cũng ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo. Trong đó, bị cáo Cao Minh Quang có nhiều thành tích, bằng khen, giấy khen, mắc nhiều bệnh, tự nguyện khắc phục hậu quả, gia đình có công với cách mạng…

VKSND đánh giá cựu cục phó Nguyễn Việt Hùng được giao làm trưởng đoàn liên ngành kiểm tra mua, sản xuất thuốc dự trữ. Cùng với nhóm bị cáo tại đơn vị của Bộ Y tế, bị cáo Hùng bị cáo buộc không kiểm tra sổ sách, kế toán, báo cáo tài chính và hạch toán số tiền 3,8 triệu USD. Hành vi thiếu trách nhiệm của các bị cáo này đã khiến nhóm bị cáo tại Dược Cửu Long hưởng lợi bất chính số tiền tương đương hơn 61 tỷ đồng.

Trong ngày xét xử hôm nay, bị cáo Cao Minh Quang tiếp tục vắng mặt do phải điều trị tại bệnh viện. Bị cáo Nguyễn Thanh Tòng (cựu Phó tổng giám đốc Dược Cửu Long) đã chết, nên tòa đình chỉ xét xử.

PTH (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật