Hành vi mua bán trái phép, tàng trữ vật liệu nổ đã được quy định cụ thể về hành vi vi phạm, lỗi cấu thành tội phạm trong Bộ luật Hình sự.
Theo đó, các lực lượng chức năng của Công an Hà Nội và Bộ Tư lệnh Thủ đô đã thu được nhiều mảnh kim loại bằng gang, thép, được xác định là những kim loại dùng để chế tạo bom. Theo kết quả giám định sơ bộ của Cục Kỹ thuật Hình sự Bộ Công an, thuốc nổ gây ra vụ nổ là loại thường sử dụng để chế tạo bom mìn. Cơ quan CSĐT, Công an TP Hà Nội sơ bộ kết luận, vật liệu gây ra vụ nổ dạng bom.
Hiện trường vụ nổ khiến nhiều người thương vong |
Vật liệu nổ trên do anh Phạm Văn Cường (SN 1975) mua về rồi dùng đèn khò phá với mục đích lấy sắt vụn bán. Trong quá trình cắt phá, nhiệt lượng đã kích nổ vật liệu nổ. Anh Cường cùng gia đình thuê nhà số 15 - TT 19, khu đô thị Văn Phú để hành nghề thu mua phế liệu.
Theo Luật sư Phạm Đăng Mạnh, Công ty Luật Minh Gia, tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ được quy định cụ thể về hành vi vi phạm, lỗi cấu thành tội phạm, khung hình phạt.
Cụ thể, tại điều 232 - Bộ Luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định: "Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ, thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".
Người vi phạm có thể bị xử phạt nặng hơn đến hai mươi năm tù, thậm chí chung thân nếu phạm tội có tổ chức, vật phạm pháp có số lượng lớn hoặc đặc biệt lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm, ...
Việc mua gom bom, mình, đầu đạn để lấy phế liệu là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm (ảnh minh họa) |
Đồng thời, người phạm tội có thể phải chịu hình phạt bổ sung gồm phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, bị phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm.
Tại Pháp lệnh số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quảnl ý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ cũng đã nghiêm cấm việc mua phế liệu là vật liệu nổ.
Cụ thể, Pháp lệnh nghiêm cấm việc mua bán trái phép, cho, tặng, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố, thế chấp các loại phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.Đồng thời, hành vi đào bới, tìm kiếm vũ khí, vật liệu nổ khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền cũng bị nghiêm cấm.
Do đó, những người hành nghề mua bán phế liệu có hành vi mua bán, đưa bom, đạn về cơ sở để xử lý bán sắt vụn là hành vi vi phạm pháp luật, gây nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.
Trao đổi với PV sau khi xảy ra vụ nổ tại cơ sở thu gom phế liệu tại khu đô thị Văn Phú, Hà Đông, một số người buôn bán phế liệu đã cẩn trọng hơn trong việc mua gom vật liệu nổ và coi vụ việc trên như một bài học cảnh tỉnh đắt giá.
Theo Vinh Hải (Dân Việt)