‘Vụ 4 tiếp viên hàng không bị phát hiện "xách" 11,3 kg thuốc lắc và ma túy tổng hợp trong các tuýp kem đánh răng từ Pháp về Việt Nam là đặc biệt nghiêm trọng nên Cơ quan điều tra sẽ xem xét xử lý thận trọng, khách quan, đảm bảo đúng người, đúng tội’ - Luật sư Hồng Vân nhận định.
Theo quy định hiện hành, người giữ hộ, hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy cho người khác mà biết rõ mục đích mua bán trái phép chất ma túy của người đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan điều tra có thể khởi tố bị can đối với các nữ tiếp viên hàng không nếu có căn cứ cho thấy 4 người này biết đây là chất ma túy mà vẫn cố tình vận chuyển về Việt Nam nhằm thu lợi bất chính.
Cũng theo luật sư Hồng Vân, Tội vận chuyển trái phép chất ma túy có lỗi cố ý trực tiếp. Nghĩa là người thực hiện hành vi phạm tội phải biết là hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi và mong muốn hậu quả xảy ra.
Khoản 4 Điều 250 BLHS 2015 sửa đổi quy định, người nào vận chuyển trái phép chất ma túy mà không nhằm mục đích sản xuất, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy thuộc một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên; Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên; Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililit trở lên; Có 2 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm trên…
Trường hợp các nữ tiếp viên này không biết trong các tuýp kem đánh răng được vận chuyển về Việt Nam có chứa chất ma túy thì không đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Trước mắt, cơ quan điều tra sẽ tạm giữ hình sự đối với các tiếp viên này để làm rõ việc vận chuyển kem đánh răng được thực hiện như thế nào? Ai là người gửi? Ai là người nhận? Số tiền công vận chuyển là bao nhiêu?
Việc chứng minh các nữ tiếp viên hàng không có biết đây là chất ma túy hay không thuộc trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc xác định có tội hay không sẽ được Cơ quan điều tra chứng minh bằng các chứng cứ khách quan như các tin nhắn, thông tin trao đổi gửi hàng...
Lời khai nhận tội không được coi là chứng cứ buộc tội nếu lời khai đó không phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác để phản ánh sự thật khách quan.
Kể cả trường hợp các nữ tiếp viên này thừa nhận biết đây là chất ma túy nhưng nội dung này không phù hợp với các tình tiết diễn biến của vụ việc thì cũng không thể kết tội.
Ngược lại, nếu các nữ tiếp viên này không thừa nhận nhưng cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy họ biết đây là chất ma túy nhưng vẫn cố tình vận chuyển thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, không phụ thuộc vào việc bị can có nhận tội hay không.
Số ma túy bị thu giữ sẽ bị tiêu hủy. Đồng thời cơ quan chức năng sẽ xác định ai là người mua bán, ai là người vận chuyển để xử lý theo quy định.
Như vậy, do số lượng ma tuý đặc biệt lớn nên nếu có căn cứ cho thấy các nữ tiếp viên hàng không biết đây là chất ma túy thì họ có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.
Trường hợp các nữ tiếp viên này không biết là chất ma túy thì vẫn có thể bị xem xét xử lý về hành vi buôn lậu và các hành vi vi phạm pháp luật khác nếu có - luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)