Tử tù trốn trại: Cán bộ quản giáo, giám thị phải chịu trách nhiệm?

15/09/2017 13:26:00

Người bị kết án tử bị cùm chân cả ngày lẫn đêm nhưng lại vẫn đục, khoét tường và bỏ trốn mà không bị phát hiện, vậy các giám thị trại giam có vô can?

Người bị kết án tử bị cùm chân cả ngày lẫn đêm nhưng lại vẫn đục, khoét tường và bỏ trốn mà không bị phát hiện, vậy các giám thị trại giam có vô can?

Chân dung 2 tử tù bỏ trốn: Nguyễn Văn Tình (trái) và Lê Văn Thọ - Ảnh: Công an Hà Nội

Luật sư Vũ Thị Nga, trưởng Văn phòng luật sư Công lý Việt, cho biết quy định việc giam giữ tử tù được thực hiện theo Thông tư 39/2012/TT-BCA.

Theo đó, đối với buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố theo mẫu thống nhất của Bộ Công an, bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát. 

Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày. 

Trại tạm giam, trại giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình.

Luật sư Nga phân tích theo quy định sau khi tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình.

Người bị kết án tử hình bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ), mỗi tuần được đổi chân cùm một lần. 

Mỗi ngày chỉ được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để người bị kết án tử hình làm vệ sinh cá nhân, trước khi mở cùm chân phải được sự đồng ý của giám thị trại tạm giam…

Về trách nhiệm của cán bộ quản giáo, giám thị trại tạm giam T16 Bộ Công an trong vụ việc để 2 tử tù bỏ trốn, luật sư Nga cho rằng cần điều tra làm rõ nội dung sự việc và sai phạm của từng cán bộ trực tiếp quản lý.

Tùy theo tính chất mức độ sai phạm có thể bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Tuy nhiên đối với trường hợp để hai tử tù trốn khỏi trại giam thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 301 Bộ luật hình sự về tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn.

Hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, giám sát  để cho người bị giam, giữ trốn, đặc biệt là để cho tử tù trốn khỏi nơi giam giữ, thấp nhất cũng phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 2 Điều 301 Bộ luật hình sự 1999 trở lên.

Tử tù trốn trại: cán bộ quản giáo, giám thị phải chịu trách nhiệm? - Ảnh 2.

Tử tù Lê Văn Thọ (Thọ "sứt", vừa trốn thoát khỏi trại tạm giam) trong một lần được trích xuất khỏi phòng giam - Ảnh: GIA MINH

Theo thông tin trên báo chí, hai tử tù đã vô hiệu hóa được từ việc cùm chân, đục, khoét tường mà không bị phát hiện, đặc biệt là từ camera giám sát đến vọng gác đều bỏ ngỏ, tạo điều kiện cho tử tù trốn ra khỏi phòng biệt giam, ra ngoài khu vực trại... 

Để kiếm được một sợi dây rồi trèo lên vọng gác, buộc dây đu ra ngoài rồi trốn khỏi trại giam mà không hề hay biết thì đây là một chuyện quá đặc biệt khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Ban giám thị trại giam T16.

Theo Luật sư Nga, cần phải có sự vào cuộc của cơ quan có thẩm quyền để làm rõ có hay không việc thông đồng, tiếp tay của cán bộ trại giam cho tử tù hay chỉ đơn thuần là thiếu trách nhiệm, 

"Cần sự vào cuộc điều tra của Cục điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao mới đảm bảo sự khách quan, triệt để vì đa số tử tù về tội ma túy là những đối tượng "đặc biệt" về mọi mặt. 

Không thể khẳng định ngay được, nhưng không loại trừ đồng bọn bằng mọi giá phải tạo điều kiện cho tử tù thoát án để bịt đầu mối. Thực tế nhiều trường hợp trước khi đưa đi thi hành án tử thì tử tù mới khai ra đồng phạm như vụ án nổi tiếng Vũ Xuân Trường là một ví dụ", luật sư Nga nói.

Buồng giam giám sát nghiêm ngặt, tử tù rất khó thoát

Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình và phải có biển ghi rõ là khu giam người bị kết án tử hình.

Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật để theo dõi, giám sát.

Khu vực buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày.

Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày lẫn đêm. Mỗi lần mở cùm cho tử tù đều phải thực hiện một loạt thủ tục rất phức tạp.

"Giám thị trại tạm giam phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ - kỹ thuật để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời người bị kết án tử hình trốn hoặc tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác" - luật sư Hưng nói.

Với những quy định chặt chẽ như trên, khả năng tử tù tự thoát ra khỏi trại giam là rất khó xảy ra.

HOÀNG ĐIỆP

Khoản 2 điều 301 Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn như sau:

Đối với trách nhiệm của cán bộ trực tiếp quản lý phạm nhân bỏ trốn.

Phạm tội để người bị giam, giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng trốn hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.

Nếu trong trường hợp tử tù bỏ trốn mà gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì cán bộ để người bị giam trốn phải chịu trách nhiệm hình sự theo Khoản 3 Điều 301 Bộ luật Hình sự.

Khoản 3 Điều 301 Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn như sau:

Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

Ngoài ra đối với trách nhiệm của cán bộ quản lý phạm nhân bỏ trốn còn bị áp dụng khoản 4 như sau:

Khoản 4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo Thân Hoàng (Tuổi Trẻ)

Nổi bật