Tử tù Lê Văn Mạnh |
Sáng 26.10, trao đổi với Thanh Niên Online, ông Đàm Cảnh Long, Phó phòng giám đốc kiểm tra, phụ trách thi hành án hình sự, TAND tỉnh Thanh Hóa cho biết: cho đến thời điểm này Hội đồng thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh chưa họp và chưa có bất kỳ quyết định gì. Việc thông báo Quyết định của Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa cho gia đình về thủ tục nhận xác (hạn cuối nhận đơn vào ngày 26.10) là một thủ tục trong thi hành án. Ngày 26.10 không phải là ngày thi hành án tử hình đối với Mạnh như dư luận đang hiểu.
Trọng án điều tra, xét xử liên tục
Theo cáo trạng số 81/KSND-P1 của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa ngày 4.7.2005, vào khoảng 17 giờ ngày 21.3.2005, trong lúc đi tìm trâu ở bờ sông cầu Chày (thuộc thôn 4, xã Yên Thịnh, huyện Yên Định), Lê Văn Mạnh thấy cháu Hoàng Thị Loan (SN 1991), ngụ cùng thôn đang đi vệ sinh, nên đã nảy sinh ý định hiếp dâm cháu Loan.
Sau đó, Mạnh lén lút lại gần, bịt miệng, vật cháu Loan xuống đất thực hiện hành vi hiếp dâm cháu Loan. Do cháu Loan chống cự, nên Mạnh đã túm tóc, đập đầu Loan nhiều lần xuống đất làm cháu bị ngất, nằm bất động.
Sau đó, Mạnh mang xác cháu Loan lội qua sông cầu Chày bỏ vào bụi cây rậm rạp ở bờ sông thuộc xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) nhằm dấu xác. Tại đây, Mạnh đã xé quần, áo của của cháu Loan làm dây quấn thắt vào cổ nạn nhân nhằm để mọi người nghĩ rằng cháu Loan tự buộc cổ mình tự sát; Mạnh còn dùng đất sét nhét vào âm hộ nạn nhân để che đậy hành vi hiếp dâm của mình. Thực hiện xong hành vi phạm tội, Mạnh về nhà nhà tắm rửa, thay quần áo.
Tối cùng ngày, không thấy con gái về, nên ông Hoàng Văn Hồng (bố cháu Loan) đã cùng người nhà tổ chức đi tìm con nhưng không thấy. Đến trưa ngày 22.3.2005, người dân phát hiện xác cháu Loan ở bờ sông cầu Chày, phía bên xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân. Cách đó khoảng 120m có một chiếc quần cạp chun nền trắng sọc đỏ. Kết quả giám định pháp y ngày 30.3.2005 cho thấy cháu Loan “chết ngạt do thắt cổ, trên nạn nhân có bị ngạt nước, có bị hiếp dâm”.
Cũng theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa thì trước đó, vào ngày 7.3.2003, khi đang làm ăn ở miền Nam, Lê Văn Mạnh đã cùng với Bùi Ngọc Du (người cùng quê) cướp một chiếc xe máy, 16 triệu đồng cùng các giấy tờ cá nhân của anh Trương Hữu Lắm (ở TP.HCM) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Sau khi gây án, Du bị bắt và bị tuyên phạt 11 năm tù. Còn Mạnh bỏ trốn về quê và bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai khởi tố bị can, phát lệnh truy nã.
Ngày 20.4.2005, Mạnh bị cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ tại nhà riêng theo lệnh bắt tạm giam của cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai về tội “cướp tài sản”.
Tiếp đó, ngày 24.4.2005, cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can đối với Lê Văn Mạnh về tội “giết người, hiếp dâm trẻ em”.
Hai vụ án trên sau đó được cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa ra quyết định nhập lại, chuyển Viện KSND tỉnh Thanh Hóa truy tố bị cáo Lê Văn Mạnh về các tội “giết người; hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản”.
Ngày 16.10.2015, gia đình Mạnh được TAND tỉnh Thanh Hóa thông báo việc thi hành án tử hình đối với Lê Văn Mạnh để gia đình biết, làm đơn nhận tử thi đưa về an táng. Thời hạn cuối cùng nhận đơn là ngày 26.10.2015. Ngay sau khi nhận được thông báo này, gia đình mạnh đã ra Hà Nội kêu oan.
Tội án từ một lá thư nhận tội
Đáng chú ý là sau khi bị bắt vì tội "cướp tài sản" thì tội danh "giết người hiếp dâm trẻ em" của tử tù Lê Văn Mạnh bất ngờ được phát hiện sau khi phạm nhân Lê Văn Dũng báo cáo về bức thư mà Lê Văn Mạnh gửi về gia đình thú tội, nhờ bố mẹ sang nhà nạn nhân để xin cho Mạnh.
Trong kháng nghị giám đốc thẩm, Viện KSND Tối cao chỉ rõ tại sao cơ quan điều tra không hỏi bị cáo về bức thư này.
Tại phiên tòa, bị cáo khai do bị Nguyễn Kế Hiền ép phải viết và nhờ Hiền chuyển cho gia đình, nhưng cơ quan điều tra, Viện KSND không hỏi rõ Hiền có ép Mạnh viết thư hay không? Mạnh nhờ phạm nhân Hiền hay phạm nhân Dũng chuyển thư ra ngoài?
Tại bản kháng nghị giám đốc thẩm số 12/QĐ-VKSTC-V3 ngày 23.4.2007, Viện KSND tối cao cho rằng, vụ án này bị cáo Lê Văn Mạnh bị bắt theo lệnh truy nã của Công an tỉnh Đồng Nai về tội “cướp tài sản” và chiếc quần sọoc Mạnh vất ở hiện trường. Sau này chiếc quần sọoc mất giá trị chứng cứ buộc tội với Mạnh vì Mạnh khai khi mò tìm cháu Loan ở sông, một số người chê quần rách, nên Mạnh đã cởi vứt đi.
Trong khi bị giam giữ Mạnh đã nhận tội “giết người và hiếp dâm trẻ em” nên chứng cứ kết án Mạnh chủ yếu dựa vào lời khai nhận tội của Mạnh. Trong các lời khai có nhiều điểm mô tả chi tiết, phù hợp với hiện trường, tử thi. Tuy nhiên, quá trình điều tra vẫn còn một số thiếu sót, trong lời khai nhận tội của bị cáo còn có nhiều điểm mâu thuẫn và thiếu thống nhất, nhưng chưa được làm rõ.
Cụ thể, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra không xác định được hiện trường chính nơi xảy ra hành vi tấn công đầu tiên của Mạnh đối với cháu Loan. Hiện trường đó cách nhà dân, cách các lối đi bao nhiêu mét? Với hiện trường như vậy, thủ phạm có điều kiện thực hiện tội phạm không? Liệu những người xung quanh hiện trường có nghe được tiếng kêu của cháu Loan không?
Kết quả giám định pháp y cháu Loan “chết ngạt do thắt cổ, thi thể nạn nhân bị ngạt nước, có bị hiếp dâm”. Nhưng chưa có văn bản yêu cầu tổ chức pháp y giải thích rõ cháu Loan bị chết do nguyên nhân trực tiếp nào? Bị cáo khai chỉ dùng ngón tay ngoáy vào âm hộ nạn nhân, nhưng giám định kết luận nạn nhân bị hiếp dâm?
Ở giai đoạn điều tra, Mạnh khai nhận tội, nhưng khi ra tòa bị cáo lại phản cung, chối tội vì cho rằng mình bị ép cung, đánh đập nên phải nhận tội. Sau khi TAND tối cao hủy án lần một, cơ quan điều tra có điều tra vấn đề này, nhưng cũng chưa làm rõ bị cáo có bị đánh, ép cung hay không? Ai đánh? Ép cung ở bản cung nào? Hồ sơ cũng không có các bản lấy lời khai và bản đối chất do cơ quan điều tra độc lập có sự giám sát của Viện KSND.
Căn cứ vào các hồ sơ, tài liệu có trong vụ án, đồng thời cho rằng do còn có các thiếu sót mâu thuẫn, nên Viện KSND tối cao nhận thấy chưa có đủ cơ sở vững chắc để kết luận Lê Văn Mạnh phạm tội “giết người và hiếp dâm trẻ em”.
Vụ án kéo dài 10 năm
Ngày 29.7.2005, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa xét xử, tuyên phạt Lê Văn Mạnh mức án “tử hình” đối với 3 tội danh “giết người; hiếp dâm trẻ em và cướp tài sản”. Do Mạnh làm đơn kêu oan, nên ngày 27.10.2005, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội hủy bỏ tội danh “giết người và hiếp dâm trẻ em”, giao TAND tỉnh Thanh Hóa tiến hành tố tụng lại từ giai đoạn điều tra.
Ngày 13.3.2006, TAND tỉnh Thanh Hóa đã mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử và tuyên án “tử hình” đối với Lê Văn Mạnh về 2 tội danh “giết người và cướp tài sản”. Ngày 26.7.2006, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xử y án “tử hình” đối với Lê Văn Mạnh.
Sau khi Lê Văn Mạnh tiếp tục kêu oan, nên ngày 23.4.2007, Viện trưởng Viện KSND tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với 2 bản án cấp sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Thanh Hóa và TAND tối cao tại Hà Nội kết án Lê Văn Mạnh.
Theo đó, Viện KSND tối cao đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xét xử giám đốc thẩm hủy 2 bản án hình sự trên; giao hồ sơ về Viện KSND tối cao để giải quyết vụ án lại từ giai đoạn điều tra.
Tuy nhiên, ngày 29.7.2008, Tòa sơ thẩm TAND tỉnh Thanh Hóa vẫn kết án tử hình đối với Lê Văn Mạnh về tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em”. Và ngày 25.11.2008, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội xử y án tử hình.
>> Hoãn thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh
Theo Ngọc Minh (Thanh Niên Online)