Tử tù bị giam giữ nghiêm ngặt như thế nào?

14/09/2017 16:41:00

Sau khi hai tử tù Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ trốn khỏi trại tạm giam, nhiều người đặt câu hỏi, các tử tù bị giam, giữ nghiêm ngặt như thế nào?

Sau khi hai tử tù Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ trốn khỏi trại tạm giam, nhiều người đặt câu hỏi, các tử tù bị giam, giữ nghiêm ngặt như thế nào?

Công an đang truy nã Thọ (bên trái) và Tình

Từ tù bị biệt giam, cùm chân

Công an TP. Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an truy tìm hai đối tượng bỏ trốn khỏi nơi giam giữ là Nguyễn Văn Tình (SN 1989, trú tại thôn Lập Thạch, xã Đông Xuân, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) và Lê Văn Thọ (tức Thọ “sứt”, SN 1980, trú tại xóm 6 Thuỳ Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương). Tình và Thọ “sứt” là hai tử tù nhưng đã trốn khỏi trại tạm giam ở Hà Nội.

Liên quan đến sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, các tử tù bị giam, giữ như thế nào trong trại tạm giam?

Trao đổi với PV về câu hỏi trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Anh) cho biết: Tử hình được hiểu là tước đi quyền sống của người bị kết án, loại trừ vĩnh viễn một con người ra khỏi đời sống xã hội. Đây là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt pháp luật hình sự nước ta.

Nơi giam giữ người bị kết án tử hình phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về việc quản lý, giam giữ theo Luật thi hành án hình sự 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, về việc quản lý, giam giữ  người bị kết án tử hình đã được quy định rõ tại Thông tư số 39/2012/TT-BCA của Bộ Công an.

Cụ thể, về khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình, Thông tư số 39/2012/TT-BCA quy định, trại tạm giam phải tổ chức khu vực riêng để giam người bị kết án tử hình. Buồng giam người bị kết án tử hình phải được xây dựng kiên cố (theo mẫu thống nhất của Bộ Công an), bảo đảm đủ ánh sáng, có cùm chân và được trang bị phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để theo dõi, giám sát.

Về việc tiếp nhận, quản lý, giam giữ người bị kết án tử hình trong buồng giam, Thông tư 39/2012/TT-BCA quy định: Sau khi Tòa án đã xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo mức án tử hình thì Giám thị trại tạm giam phải làm thủ tục điều chuyển ngay người bị kết án tử hình vào buồng giam tại khu vực giam người bị kết án tử hình.

Khu vực, buồng giam người bị kết án tử hình phải bảo đảm yêu cầu quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ 24/24 giờ trong ngày. Nếu người bị kết án tử hình là nữ thì phải bố trí cán bộ quản giáo nữ phụ trách.

Trường hợp người bị kết án tử hình có biểu hiện tự sát, chống phá, trốn khỏi nơi giam hoặc có hành vi nguy hiểm khác thì có thể bị cùm một chân cả ngày, đêm (24/24 giờ).

Mỗi tuần người bị kết án tử hình được đổi chân cùm ít nhất một lần; mỗi ngày được mở cùm chân một lần, mỗi lần không quá mười lăm phút để tử tù làm vệ sinh cá nhân.

Tuy nhiên, trước khi cán bộ quản giáo mở cùm chân mở cùm chân cho tử tù phải được sự đồng ý của Giám thị trại tạm giam; khi cán bộ quản giáo mở cùm chân phải có cán bộ hoặc chiến sĩ vũ trang bảo vệ giám sát chặt chẽ.

Quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam hằng ngày

Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết, Thông tư 39/2012/TT-BCA cũng quy định rõ, Giám thị trại tạm giam phải áp dụng các biện pháp nghiệp vụ - kỹ thuật để chủ động phát hiện, ngăn chặn kịp thời người bị kết án tử hình trốn hoặc tự sát hoặc có hành vi nguy hiểm khác.

Tử tù bị giam giữ nghiêm ngặt như thế nào? - 2

Quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam hằng ngày. Hình minh họa

Hằng ngày, cán bộ quản giáo phải kiểm tra người và buồng giam; kiểm tra suốt, móng cùm người bị kết án tử hình để kịp thời phát hiện, thu giữ những vật cấm đưa vào buồng giam người bị kết án tử hình.

Khi mở cửa buồng giam, mở cùm chân, cán bộ quản giáo phải trực tiếp mở và đóng khoá. Phải có sổ theo dõi, kiếm tra người, buồng giam, suốt, móng cùm chân, việc mở, đóng cửa buồng giam người bị kết án tử hình; trong sổ theo dõi phải ghi rõ tình trạng buồng giam, cùm, khoá, ngày, giờ, lý do thực hiện các công việc, người thực hiện; tình trạng sức khỏe, biểu hiện tâm lý, diễn biến tư tưởng của người bị kết án tử hình…

Nếu qua theo dõi, kiểm tra, phát hiện có biểu hiện khác thường, phải báo cáo ngay Giám thị để có biện pháp xử lý kịp thời.

Thông tư cũng quy định, Giám thị trại tạm giam phải tổ chức tiếp nhận, kiểm tra chặt chẽ đồ tiếp tế, đồ vật, thư để phát hiện thu giữ, xử lý đồ vật cấm theo quy định. Nếu đồ tiếp tế, đồ vật, thư được phép nhận và gửi theo quy định thì phải giao lại đầy đủ cho người nhận và phải ghi vào sổ theo dõi có ký nhận cụ thể.

Trong trường hợp người bị kết án tử hình trốn, trại tạm giam phải lập biên bản và thông báo ngay cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi trại tạm giam đóng để biết và phối hợp xử lý; đồng thời, phải chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức truy bắt ngay.

Tử tù bỏ trốn bị xử lý thế nào?

Trao đổi thêm về vụ việc có hai tử từ là Nguyễn Văn Tình và Lê Văn Thọ bỏ trốn khỏi trại tạm giam, luật sư Thơm cho biết, hành vi bỏ trốn khỏi nơi giam giữ của 2 đối tượng đã phạm tội trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị dẫn giải, đang bị xét quy định tại Điều 311, Bộ luật hình sự 1999.

“Theo quy định, người nào đang bị giam, giữ, đang bị dẫn giải hoặc đang bị xét xử mà bỏ trốn, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm. Phạm tội có tổ chức hoặc dùng vũ lực đối với người canh gác hoặc người dẫn giải sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”, luật sư Thơm cho biết.

Để phục vụ công tác điều tra, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội đề nghị cá nhân, tổ chức bắt hoặc phát hiện, tiếp nhận bị can báo ngay cho Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội, địa chỉ số 55 Lý Thường Kiệt, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, điều tra viên thụ lý Lê Thế Vinh, số điện thoại 0983.993.113 để giải quyết.

Theo Xuân Lực (Dân Việt)

Nổi bật