Ngày 24/2, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố 14 bị can trong đường dây giả danh tướng quân đội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trong đó, vợ chồng Hoa Hữu Long (56 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) và Cao Thị Kim Loan là 2 bị can chính.
Theo kết luận điều tra, năm 2015, Bộ Quốc phòng có đề án tái cơ cấu doanh nghiệp quân đội. Lợi dụng điều này, Long nảy ý định lừa đảo bằng cách làm giả các quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Tập đoàn Đông Dương (phiên hiệu S10) và có nhu cầu tuyển dụng lao động tại nhiều tỉnh, thành.
Đầu năm 2018, Cục Bảo vệ An ninh quân đội của Bộ Quốc phòng nhận được nhiều đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Hoa Hữu Long và đồng phạm. Cơ quan này xác định Bộ Quốc phòng không có ai là thiếu tướng Hoa Hữu Long, cũng không có Tập đoàn Đông Dương mang phiên hiệu S10 nên vụ án được bàn giao cho Công an Hà Nội.
Cho đến khi bị phát giác, Hoa Hữu Long và các bị can khác đã thu tiền của người có nhu cầu xin việc tổng cộng hơn 83 tỉ đồng để chạy vào Tập đoàn Đông Dương. Số tiền bị tạm giữ trong vụ án là 3,5 tỉ đồng.
Ngoài ra còn gần 26 tỉ đồng của 8 thẻ tiết kiệm đứng tên mẹ của Cao Thị Kim Loan. Khi được hỏi, bị can Loan khai một phần tiền này thu của các bị hại. Do chưa phân định được từng khoản nên cơ quan chức năng đã phong tỏa toàn bộ tiền và thẻ tiết kiệm.
Đến nay, cơ quan điều tra đã ghi lời khai khoảng 650 bị hại, còn hàng trăm nạn nhân khác có giấy triệu tập nhưng không đến hoặc không có địa chỉ rõ ràng.
Qua quá trinh điều tra, vợ chồng Hoa Hữu Long, Cao Thị Kim Loan cũng như một số đối tượng khác đều khai báo số tiền thu được của người lao động đã nộp về cho đối tượng T1, thường gọi là "anh Đức", nhưng không biết nhân vật này ở địa chỉ nào, làm gì.
Hiện cơ quan an ninh điều tra vẫn đang tiếp tục truy tìm đối tượng T1 là ai, ở đâu.
PTH (Nguoiduatin.vn)