Đại gia 26 tuổi
Trao đổi với PV chiều 3/7, ông Nguyễn Duy Hưng Trưởng công an xã Yên Trung (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, sau khi Nguyễn Thanh Tuân (SN 1983, quê ở xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội) bị tiêu diệt tại sào huyệt ở Sơn La, gia đình đã đưa thi thể trùm ma túy về an an táng tại quê nhà.
Theo ông Hưng, Tuân sinh tại thôn Lặt, xã Yên Trung và là con cả trong gia đình bần nông. Bố mẹ Tuân sinh được hai anh em trai nhưng cả Tuân và cậu em trai đều vướng vào ma túy.
Năm lên 9 tuổi, Tuân bỏ học ở nhà đi làm, nhưng thuở bé Tuân chưa từng gây gổ, có điều tiếng. Năm 2003, Tuân về quê lấy vợ tại địa phương và sinh liền hai cô con gái rồi bỏ đi biền biệt.
Tới 2009, Tuân trở về quê thăm gia đình. Tuân "lột xác" từ một thanh niên chân lấm tay bùn trở thành đại gia lắm tiền. Thời điểm ấy, dân làng còn rất nghèo thì Tuân đã sắm ô tô vi vu khắp làng.
Trùm ma túy cũng thể hiện phong cách đại gia lắm tiền, ăn chơi khi đeo dây chuyền vàng gắn nanh hổ, tay đeo vòng bạc và có nhiều người đi bên cạnh.
Gia đình Tuân sau đó cũng xây một căn nhà mới khang trang dưới chân núi Ba Vì và có nhiều nội thất đắt tiền bên trong.
"Việc Tuân giàu lên trong thời gian ngắn khiến nhiều người ngỡ ngàng, đặt câu hỏi không biết Tuân là gì mà lắm tiền như vậy?", Trưởng Công a xã Yên Trung nói.
Theo ông Hưng, sau này khi Bộ Công an, Công an tỉnh Quảng Ninh, Công an tỉnh Sơn La phát lệnh truy nã Nguyễn Thanh Tuân về tội “Mua bán trái phép ma túy” mọi người trong xã mới biết đối tượng buôn ma túy.
Chia sẻ thêm về ông trùm ma túy khét tiếng, ông Hưng cho biết, Tuân có ngoại hình khá lãng tử, đẹp trai. Ngoài người vợ cả ở nhà, Tuân còn có người tình ở bên ngoài. Quá trình sinh sống ở quê, Tuân chưa từng gây sự, gây rối trật tự tại địa phương.
Mẹ lên tận bản gặp khuyên con đầu thú
Trưởng Công an xã Yên Trung cho biết, trước đó một tháng, công an về địa phương đưa thư kêu gọi ra hàng cho mẹ và vợ Tuân. Ngày 27/6, khi lực lượng cảnh sát quyết định vây bắt cũng mời mẹ và người thân Tuân lên bản Tà Dê, xã Lóng Luông để khuyên nhủ nhưng Tuân nhất quyết không nghe.
Nói về cậu con tra cả, bà V. (SN 1963, mẹ Tuân) kể, Tuân đi làm ăn xa ít khi về thăm nhà, mỗi lần về chơi, thấy mẹ hỏi làm việc gì, Tuân chỉ nói đi buôn gỗ. Khi cảnh sát phát lệnh truy nã, bà V. và gia đình mới biết con trai là tội phạm buôn ma túy.
Bà V. tiết lộ, sau khi bị truy nã có lần Tuân từng đưa bà lên bản Tà Dê, xã Lóng Luông. Tại đây, bà V. nhiều lần khuyên nhủ con trai ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật nhưng Tuân không nghe. Tuân bảo với mẹ rằng, bản thân đã mang trọng tội, khó thoát án tử như đồng bọn trong đường dây đã bị bắt và xét xử.
Hôm 27/6, gia đình bà V. được công an địa phương thông báo về việc Tuân dùng vũ khí cố thủ cảnh sát trong ngôi nhà ở bàn Tà Dê. Cảnh sát sau đó đón bà V. lên bản Tà Dê để thuyết phục con trai ra đầu hàng.
Đại tá Phùng Tiến Triển - Phó Giám đốc Công an tỉnh Sơn La kể lại, hôm nổ ra đấu súng, bà V. đứng cách hiện trường vài chục mét, dùng loa để kêu gọi con ra hàng.
"Bà kêu gọi đến khàn cổ: “Con ơi ra đi, nếu con không ra thì con chết mẹ có sống cũng như cái xác không hồn. Lời lẽ của người mẹ nói với Tuân khiến chúng tôi nghẹn ngào, bà nói bằng tâm can của một người mẹ. Nhưng Tuân quá ngoan cố, không nghe theo nên lực lượng công an phải sử dụng vũ lực triệt phá”, đại tá Triển kể lại.
Đại tá Triển cho rằng, nếu Tuân và Thuận ra đầu hàng như ba đối tượng Bùi Văn Thó, Sơn “điếc” và Minh thì đã không chết.
Theo Xuân Lực (Dân Việt)