Theo đó, bị cáo Nguyễn Thị Kim Hạnh (Mười Tường, SN 1969) bị tuyên phạt 8 năm tù, Phạm Thanh Sang (SN 1982), Hồ Tuấn Linh (SN 1981), Nguyễn Văn Lê (SN 1984), Nguyễn Văn Minh (SN 1991, tất cả ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú) mỗi bị cáo 4 năm tù.
HĐXX nhận định, tại phiên toà các luật sư đề nghị triệu tập lực lượng Biên phòng, Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản, ngân hàng… Xét thấy những người này có lời khai trong quá trình điều tra nên việc triệu tập đến phiên toà là không cần thiết. Về biên bản vi phạm hành chính có sự sai sót tại phần ký tên nhưng không làm thay đổi sự thật khách quan vụ án.
Trong quá trình điều tra và tại phiên toà, các bị cáo Sang, Linh, Minh, Lê khai nhận hành vi phạm tội là do bị cáo Hạnh chỉ đạo việc vận chuyển trái phép ngoại tệ qua biên giới Campuchia về Việt Nam bị Bộ đội biên phòng truy bắt và bỏ chạy để lại số tiền như Viện Kiểm sát nhân dân truy tố.
Đối với bị cáo Hạnh không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo cùng với lời khai của những người có nghĩa vụ liên quan phù hợp với thời gian, địa điểm, phương tiện phạm tội.
“Lời khai của các bị cáo này đã chứng minh hành vi phạm tội của Hạnh. Bị cáo Hạnh quanh co không thừa nhận hành vi phạm tội, nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự. Tất cả các bị cáo có hành đã có hành vi vận chuyển trái phép 470.000 USD (gần 11 tỷ đồng) từ Campuchia về Việt Nam. Trong đó bị cáo Hạnh giữ vai trò chính và chủ mưu, cầm đầu; còn bị cáo Sang nhận nhiệm vụ trực tiếp từ Hạnh, sau đó đó tập hợp Lê, Minh, Linh cùng tham gia vận chuyển tiền về nhà đưa cho Hạnh”, HĐXX nhận định.
Cũng theo HĐXX, căn cứ vào quy định của pháp luật, hành vi của các bị cáo Hạnh, Sang, Linh, Minh, Lê phạm vào tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới. Do đó cáo trạng truy tố các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Lời bào chữa của các luật sư không có căn cứ, bởi lẽ lời khai của các bị cáo, người có nghĩa vụ liên quan phù hợp với thời gian, địa điểm, diễn biến vụ việc.
“Đối với bị cáo Hạnh là người có nhân thân xấu, vào năm 1999 bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh An Giang bắt về hành vi buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; năm 2017, bị Toà án nhân dân tối cao tại TPHCM xử phạt 3 năm tù về tội buôn lậu. Lẽ ra sau khi chấp hành xong hình phạt tù, bị cáo phải tự cải tạo mình nhưng bị cáo không làm được điều đó mà tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội, chỉ đạo, điều hành, vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới nhiều lần nhằm thoả mãn nhu cầu của bản thân.
Trong vụ án này, bị cáo là người điều hành toàn bộ hoạt động vận chuyển hàng hoá qua biên giới, bằng cách lợi dụng đường biên giới và những người không có việc làm ổn định để thuê mướn, lôi kéo họ vào con đường phạm tội. Đối với các bị cáo còn lại đã trực tiếp tham gia, giúp sức cho Hạnh nhằm hưởng lợi cho bản thân”, chủ toạ nêu.
Theo HĐXX, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho xã hội và xâm phạm trực tiếp tới trật tự, hoạt động quản lý kinh tế của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong việc quản lý tiền tệ. Do đó cần phải xét xử các bị cáo với mức án nghiêm, tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo.
Vì những căn cứ đưa ra, HĐXX tuyên phạt các bị cáo mức án như trên. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên phạt bổ sung bị cáo Hạnh 50 triệu đồng.
Sau khi HĐXX tuyên án xong, bị cáo Hạnh quay lại động viên các bị cáo khác và luật sư cho rằng sẽ làm đơn kháng cáo.
Bị cáo Hạnh còn liên quan đến những vụ án khác, trong đó có vụ vận chuyển 51kg vàng trái phép qua biên giới, thời gian tới sẽ được các cơ quan chức năng đưa ra truy tố, xét xử.