Chúng tôi trao đổi với ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, về băn khoăn của độc giả: "Có nên đuổi đánh trộm" và "khi bị chống trả, được phòng vệ ở mức nào".
- Nhiều độc giả bày tỏ quan điểm, luật nên điều chỉnh theo hướng cho phép người dân chủ động tấn công trộm khi phát hiện chúng đột nhập. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Ông Nguyễn Đình Quyền. Ảnh: Thu Hoài. |
Khi trộm không còn lén lút mà ngang nhiên chống lại chủ nhà thì hành vi của chúng đã chuyển sang cướp, cố ý gây thương tích hoặc có thể là giết người.
Quá trình điều tra, cơ quan công an sẽ căn cứ vào các dấu hiệu đặc trưng của hành vi để xác định tội danh. Như chúng ta thấy, trong vụ án ở huyện Thạch Thất, người gây án không bị khởi tố về hành vi trộm cắp.
Về ý kiến điều chỉnh luật theo hướng cho phép người dân tấn công trộm, đến nay chúng ta chưa nghiên cứu vấn đề này.
- Trường hợp trộm đã ngang nhiên chống lại chủ nhà, người dân có thể phòng vệ đến mức nào?
- Phòng vệ chính đáng chỉ đúng khi người dân nhận thấy kẻ gian có hành vi tấn công, hoặc gây nguy hiểm cho mình. Khi đó, họ được đáp trả tương xứng để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình. Nếu tội phạm đã chủ động bỏ chạy, chúng ta không được đuổi theo đánh chúng bởi khi đó không tồn tại chế định phòng vệ chính đáng.
Tính mạng con người là khách thể cao nhất. Luật pháp hiện quy định rất ngặt nghèo với các hành vi xâm phạm đến tính mạng con người. Chúng ta chỉ có thể đáp trả trộm cướp tương xứng với các hành vi chúng gây ra, theo luật quy định.
- Trong vụ án xảy ra ở Thạch Thất, nếu chủ nhà đánh chết tên trộm, họ có phạm tội không, thưa ông?
- Bộ luật hình sự quy định rất rõ về chế định "phòng vệ chính đáng". Trong phòng vệ chính đáng, luật cũng quy định biện pháp chống trả tương xứng khi một ai đó bị tấn công. Khi người dân phòng vệ chính đáng sẽ không phạm tội.
Công an Hà Nội gợi ý cho độc giả một số kỹ năng ứng phó với trộm đột nhập. Tuy nhiên, cảnh sát nhấn mạnh, mọi người hãy chủ động phòng ngừa, hơn là học cách đối phó. - Không nên một mình đánh lại trộm vì nhiều tên sẽ mang hung khí gây nguy hiểm. Hãy vào phóng kín, khóa chặt cửa, gọi báo công an, người thân hoặc hô hoán hàng xóm đến ứng cứu. - Nếu nghi vấn nhà bị đột nhập, đừng chạy đi tìm, lùng sục bắt trộm. Hãy bình tĩnh, báo cho người nhà để cùng trốn vào một phòng, khóa chặt cửa rồi gọi báo công an, người thân, hàng xóm hỗ trợ. - Khi bị trộm khống chế, cần làm theo yêu cầu của chúng, bình tĩnh, cố gắng nhớ nét mặt, nghe giọng nói, đặc điểm riêng để phục vụ điều tra. - Không nên tiếc tài sản mà kháng cự kẻ trộm có hung khí, vì có thể nguy hiểm tới tính mạng. Hãy bình tĩnh, làm theo yêu cầu của chúng để bảo vệ tính mạng của chính mình. - Nếu nghi ngờ trộm là người quen, nên vờ như không quen chúng, đừng chủ động gọi tên vì tội phạm có thể sinh tâm lý giết người diệt khẩu. |