Khoe mẽ, xa xỉ
Liên quan đến câu chuyện ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng chiếc đồng hồ Patek Philippe Sky Moon Tourbillon 6002G trị giá 1,7 triệu USD (tức là khoảng 39 tỷ đồng, tính theo tỷ giá năm 2015), chê một Phó Tổng giám đốc dùng đồng hồ 1,8 tỷ đồng chỉ đáng cho tài xế đeo, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre rất thảng thốt.
Ông Nhưỡng nói: "Tôi hoàn toàn bất ngờ khi một cán bộ dùng chiếc đồng hồ quá đắt tiền, quá xa xỉ như vậy, nhất là với Giám đốc một doanh nghiệp nhà nước. Thật khủng khiếp!.
Đồng thời có thể nói ra câu nói khinh biệt người khác, chiếc đồng hồ 1,8 tỷ đồng để cho lái xe đeo, những sự khinh biệt đến choáng váng.
Những cán bộ nhà nước sống bằng tiền lương do dân trả mà lại chuyên khoe mẽ, sống xa xỉ như vậy là khó chấp nhận.
Đồng thời, hãy trả lời tiền đâu ra để mua những chiếc đồng hồ đắt đỏ như vậy. Chắc chắn chỉ có tiền tham nhũng mới có khoản tiền lớn, mua chiếc đồng hồ bằng tài sản lớn cả đời một người bình thường không bao giờ mơ được".
Bên cạnh đó, theo ông Nhưỡng, tất cả những thái độ, cách ứng xử, tiêu xài không đúng như những phẩm chất của Bác Hồ dạy cán bộ công chức. Có nghĩa, vị cán bộ trên đã làm những việc mà người dân không thể chấp nhận được.
Qua câu chuyện trên, mới thấy rõ, những món đồ phụ kiện đắt tiền mà lại không có trong bảng kê khai tài sản của ông Thanh. Trong khi, theo quy định, các tài sản giá trị trên 50 triệu đồng đều phải kê khai, nhưng không hề có.
"Tôi thấy, ở đây cán bộ công chức mà còn ăn chơi, tiêu tiền hoang phí hơn cả ông trùm tư bản nước ngoài.
Những đồng tiền họ tự làm ra, họ sẽ tiêu một cách có khoa học, chứ không phung phí, tiêu một đồng cũng thấy xót nếu không đúng mục đích.
Có rất nhiều tấm gương khác như đại gia Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Geleximco giàu có có tiếng tại Việt Nam nhưng vẫn đi chiếc xe ô tô Yaris đi làm.
Tôi tin rằng, nếu muốn phát hiện tham nhũng nhờ các phụ kiện đắt tiền thì rất dễ vì nó hiện hữu ngay trước mắt có thể nhìn rõ. Mà đấy mới chỉ là của nổi, còn của chìm phải lớn hơn đó nhiều lần thì mới chi ra mua các món đồ đắt đỏ, xa xỉ như vậy", ông Nhưỡng nhận định.
Quản lý kê khai tài sản còn hình thức
Cũng đưa ra quan điểm với Đất Việt, ĐBQH Bùi Văn Xuyền - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, hành động trên thể hiện sự coi thường dư luận, bất chấp các quy định của Luật pháp.
Đây chính là công tác quản lý kê khai tài sản của cán bộ công chức, ý thức trách nhiệm của cán bộ trong sinh hoạt giao tiếp, quan hệ xã hội.
"Hiện nay, việc kê khai, công khai tài sản công chức vẫn đang được bàn trong Luật phòng chống tham nhũng, vẫn còn nhiều quy định không đi vào thực tiễn, mang tính hình thức, không thấy hết trách nhiệm của cán bộ.
Khi thấy việc kê khai, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cán bộ có chức vụ quyền hạn không được tốt, chặt chẽ thì bản thân cán bộ họ cũng coi thường.
Còn nếu có việc sử dụng tài sản lớn công khai như vậy, là biểu hiện xem thường kỷ cương đối với cán bộ công chức, là hậu quả công tác quản lý cán bộ lỏng lẻo, phòng chống tham nhũng hình thức", ông Xuyền chỉ rõ.
Riêng về việc kê khai các phụ kiện có giá trị lớn, theo ông Xuyền, trong Luật có quy định các tài sản trên 50 triệu đồng đều phải kê khai như đá quý, cây cảnh... nhưng chưa cụ thể, rõ ràng, nên việc kê khai rất hình thức.
Việc xác định kê khai tài sản cần rõ ràng đó là tài sản gì, trị giá bao nhiêu, công khai mức độ như thế nào, sau khi phát hiện ra cán bộ công chức ngoài tài sản đã kê khai, còn nhiều tài sản khác vượt quá giá trị tài sản đã kê khai thì xác định hành vi đó ở mức độ nào có thể xử lý trách nhiệm. Như thu thuế 45%, xử phạt hành chính, tịch thu xung công quỹ nhà nước...
"Theo tôi phải có Luật về kê khai tài sản một cách bài bản từ đầu vào việc kê khai, quản lý việc công khai và xử lý với tài sản đó.
Ví dụ quên thì xử lý tài sản đó ở mức độ nào, nếu cố tình khai sai thì xử lý thế nào, chưa làm đúng mà quên nhầm lẫn...tức mỗi mức độ cần có cách xử lý khác nhau", ông Xuyền nhấn mạnh.
Theo Châu An (Báo Đất Việt)