Ngày 8-3, TAND TP Hà Nội đã phiên xét xử ông Đinh La Thăng (nguyên chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN); Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam - PVC); Trần Thị Bình, nguyên phó tổng giám đốc PVN, cùng 9 người khác trong vụ án xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ).
Năm 2017, 3 đơn vị thuộc Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) thành lập Công ty CP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí (PVB). Tháng 9-2008, PVB có quyết định phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu TK05 xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu để sơ tuyển lựa chọn nhà thầu. Cũng trong tháng 9-2008, bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã ký văn bản gửi PVB đề nghị hạ một số tiêu chí đánh giá về năng lực kỹ thuật, năng lực tài chính, kinh nghiệm nhà thầu nhưng không được chấp thuận. Tiếp đó, PVC đã thành lập liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T để nộp hồ sơ dự tuyển gói thầu này.
Tại thời điểm đóng sơ tuyển, liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T chưa đạt các tiêu chí về năng lực kỹ thuật, năng lực tư vấn…Tuy nhiên, ông Đinh La Thăng đã chủ trì nhiều cuộc họp để định hướng việc giao thầu cho PVC theo như đề nghị của Trịnh Xuân Thanh. Do không đủ năng lực nên dự án chậm tiến độ. Đến tháng 3-2013, PVC đã đơn phương dừng thi công, gây thiệt hại 543 tỉ đồng cho PVB.
Trả lời thẩm vấn tại phiên toà, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng PVB không phải đơn vị thuộc hệ thống PVN nên ông không thể chỉ đạo; PVB cũng không có trách nhiệm thực hiện các nghị quyết của PVN. Bị cáo là Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ và Ban chỉ đạo này chỉ có trách nhiệm đôn đốc tiến độ, đặt ra các mốc thời gian để chủ đầu tư là PVB phấn đấu hoàn thành.
Về mức giá xây dựng là 59 triệu USD, ông Đinh La Thăng cho biết đây là giá PVB đưa ra, ông và Ban chỉ đạo không thể quyết định việc này vì nguyên tắc là không làm thay việc của chủ đầu tư. Ngoài ra ông Đinh La Thăng nói cũng không ép PVC phải tham gia đấu thầu và thực hiện dự án. "Do đó, tôi từng yêu cầu HĐQT của PVC phải họp, thống nhất tham gia dự án với giá của chủ đầu tư. Tôi không ép PVC, nguyên tắc là làm phải có lãi mới làm"- ông Đinh La Thăng nói.
Khi ông Đinh La Thăng được cách ly, bị cáo Trịnh Xuân Thanh khai nếu không có văn bản của PVN, PVC sẽ không ký hợp đồng xây dựng dự án Ethanol Phú Thọ. Bị cáo này trình bày các thành viên trong HĐQT của PVC từng nói với 59 triệu USD không làm được dự án, phải hơn 85 triệu USD. "Tôi báo cáo tập đoàn PVN nhưng tập đoàn yêu cầu tôi kiểm điểm. Nếu không có chỉ đạo của PVN chúng tôi sẽ không làm dự án đó"- bị cáo Thanh nói.
Cũng theo Trịnh Xuân Thanh, thời điểm được chỉ định thầu, PVC chưa đáp ứng một số tiêu chí do chủ đầu tư là PVB đưa ra . Tuy nhiên, với toàn bộ tiêu chí đó, ở Việt Nam không có đơn vị nào đáp ứng được. "Trong luật đấu thầu, không nhất thiết phải đạt tất cả tiêu chí để được trúng thầu, nếu chấm điểm đạt trên 50% có thể làm được trong mời thầu; chỉ định thầu là trên 80% trừ khi chủ đầu tư ra tiêu chí nguyên tắc mình không đáp ứng được"- bị cáo Thanh nói.
Về việc liên danh của PVC sau đó dừng thi công năm 2013, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận đây là trách nhiệm của mình hoặc các bị cáo khác thuộc PVC. "Mọi người ở đây chỉ làm thuê thôi, các đơn vị góp vốn vào PVB là ngân hàng, PVOil… Họ thấy dự án không hiệu quả nên nhân việc chúng tôi đòi tăng tiền, họ dừng lại luôn. Hợp đồng chìa khóa trao tay nên nếu chúng tôi không làm được phải chịu thiệt hại nhưng họ không cho"- bị cáo Thanh phân trần.
Theo Nguyễn Hưởng (Nld.com.vn)