Video: Trịnh Xuân Thanh phản bác lời khai của cấp dưới tại tòa
Tại phiên tòa hôm nay, bà Nguyễn Hồng Phúc - một trong số các luật sư bào chữa cho Trịnh Xuân Thanh - nói sẽ trình HĐXX thêm biên lai thân chủ của bà đã khắc phục hậu quả thêm 2 tỷ đồng.
3 ngày trước khi phiên tòa diễn ra (5/1), gia đình Trịnh Xuân Thanh cũng đã nộp khắc phục 2 tỷ đồng.
Trao đổi với PV, ông Lê Quang Tiến, Cục trưởng Cục thi hành án TP Hà Nội cho biết chiều 11/1, bị cáo Trịnh Xuân Thanh, thông qua gia đình, đã nộp thêm 2 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Đến nay, cơ quan này đã nhận 4 tỷ.
Theo cáo buộc của cơ quan tố tụng, cựu Chủ tịch HĐQT PVC cùng nhóm cán bộ ngành dầu khí đã lập khống hồ sơ, chứng từ phục vụ thi công 4 hạng mục chính của dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chiếm đoạt 13 tỷ đồng. Trong số này, Trịnh Xuân Thanh chiếm hưởng 4 tỷ đồng, Vũ Đức Thuận (nguyên Tổng giám đốc PVC) chiếm hưởng 800 triệu đồng, Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) chiếm hưởng hơn 3,6 tỷ đồng, Bùi Mạnh Hiển (nguyên Chánh văn phòng PVC) chiếm hưởng 400 triệu đồng...
Ngoài ra, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh và Bùi Mạnh Hiển còn bị cáo buộc chiếm hưởng sử dụng chung 1,5 tỷ đồng còn lại.
Trước đó, trong ngày xét xử thứ 4 (11/1), ông Đào Thịnh Cường - Phó viện trưởng VKSND Hà Nội thay mặt cơ quan giữ quyền công tố tại tòa đọc bản luận tội và đề nghị mức án với 22 bị cáo.
Với hành vi Tham ô tài sản, VKSND xác định các bị cáo mà đứng đầu là Trịnh Xuân Thanh - người đại diện phần vốn góp của PVN tại PVC, đã cấu kết với nhau và các doanh nghiệp bên ngoài, lập hồ sơ, chứng từ khống để chiếm đoạt số tiền rất lớn.
Hành vi của nhóm cán bộ ngành dầu khí gây thiệt hại 119 tỷ, trong đó có 13 tỷ đồng tham ô.
Trên cơ sở đó, VKSND đã đề nghị mức án 13-14 năm tù dành cho Trịnh Xuân Thanh với tội Cố ý làm trái; mức chung thân với tội Tham ô tài sản; tổng hình phạt đề nghị chung thân.
Các bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 30 tháng tù treo đến 28 năm tù giam.
Theo Nhóm phóng viên (Tri Thức Trực Tuyến)