|
Cơ quan điều tra phải dày công theo dõi, phối hợp rất nhiều địa phương mới phá được băng cướp gây mê của ba chị em Nguyễn Lệ Hồng (58 tuổi), Nguyễn Hoàng Nhị (49 tuổi) và Nguyễn Lệ Hằng (44 tuổi, cùng ngụ quận Thốt Nốt, Cần Thơ). 5 năm trước, nhóm này gây ra 101 vụ cướp gây mê tại 13 tỉnh, thành Nam Bộ, cướp trên 7 tỷ đồng (trong đó có một vụ cướp đến 40.000 USD và 85 triệu đồng của một nhân viên ngân hàng).
Các xe khách thường di chuyển cả nghìn km qua nhiều tỉnh thành nên muốn lần ra dấu vết của băng "phù thủy gây mê", cảnh sát phải có nhiều biện pháp nghiệp vụ được áp dụng đồng loạt. Và ánh sáng bắt đầu lóe lên khi tổ trinh sát bám ở phía nam thị xã Tuy Hòa (nay là TP.Tuy Hòa, Phú Yên) phát hiện một việc đáng chú ý.
Khoảng 3h một ngày nọ, có 3 người tuổi trên 40, ăn mặc lịch sự, hành lý mỗi người chỉ là chiếc túi xách. Sau khi bước xuống chiếc xe khách từ Nam ra Bắc, họ vội đi vào con hẻm.
Ở đó có phòng ngủ bình dân, kín đáo. Nhóm khách này vừa vào phòng đã đóng sập cửa và ở mãi đến 20h hôm sau mới ra đi trên những chuyến xe Bắc - Nam.
Sau đó thành quy luật, nhóm khách lạ cứ 2-3 ngày lại ghé về phòng trọ này ẩn mình, chờ khuya lại ra đi. Có nhiều lúc nhân sự của nhóm này tăng lên 6, 7 người nhưng hành vi không thay đổi.
Các trinh sát giỏi được lệnh "phiêu bạt hải hồ" cùng nhóm người đặc biệt này. Họ đã trải qua những ngày tháng gian khổ và luôn ở trạng thái chiến đấu quyết liệt với loại tội phạm nhạy cảm, nguy hiểm.
Có trinh sát phải đu lên những điểm cao (như mái nhà) suốt nhiều ngày và đêm liền để có thể thu thập tư liệu, chứng cứ. Hàng ngày, đồng đội của họ tiếp tế cơm, bánh mì, nước uống cho trinh sát bằng cách leo trèo nhẹ như mèo.
Nhưng đáng sợ nhất là cái việc "giải quyết chất thải" của trinh sát bám mục tiêu. Các anh phải dùng bọc nylon như người ốm liệt giường, lại thêm áy náy khi nhờ đồng đội vận chuyển xuống để "phi tang". Có trinh sát cả tháng ròng phải xuôi ngược Bắc - Nam trên những chuyến xe tốc hành cùng tội phạm.
Nhóm người đặc biệt dưới vỏ bọc khách sang trọng, được chủ và lơ xe mời vồn vã. Còn trinh sát khi phải đeo theo trong vai những người bán nước uống, thuốc lá, bánh kẹo dạo và bị nhà xe không ngớt quát tháo, xua đuổi.
Có trinh sát được chọn làm "mồi nhử", lo tập trung đối phó với nhân vật chính nên không ngờ bị đồng bọn của họ tấn công bằng các thủ đoạn thân thiện, suýt nữa trở thành bị hại.
Một số trinh sát nữ phải đóng vai vợ theo chồng buôn bán đường xa cùng các đồng nghiệp nam; có lúc trở thành nhà báo, người thu thuế cầu đường...
Rong ruổi theo dấu vết các tên tội phạm, những lúc đắm chìm trong nhiệm vụ thì quên hết, nhưng khi có giây phút rảnh rỗi họ lại nghĩ đến gia đình, lo cho từng người thân của mình và những đứa con đang nhớ cha mẹ. Nhưng những vất vả, cam go đó mới chỉ là “khúc dạo đầu”, nhiều phức tạp hơn đang chờ họ ở giai đoạn phá án.
Các trinh sát không tiết lộ đã bắt được băng nhóm này bằng cách nào nhưng cuối cùng các bị án đều thừa nhận tội trạng trước tòa. Từ đó những chuyến xe tốc hành mới trở nên an toàn.
Theo Khang Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)