Trẻ bị xâm hại tình dục: Nỗi đau của cả người lớn!

15/03/2017 11:32:00

Không chỉ để lại hậu quả, di chứng nặng nề cho những đứa trẻ, các vụ xâm hại tình dục trẻ em còn ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình nạn nhân.

Không chỉ để lại hậu quả, di chứng nặng nề cho những đứa trẻ, các vụ xâm hại tình dục trẻ em còn ảnh hưởng trực tiếp đến gia đình nạn nhân.
 
Ngày 29-7-2012, Đặng Trần Hoài hiếp dâm trẻ em và giết trẻ em (nạn nhân là hai chị em ruột) tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội). Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên phạt Hoài tử hình - Ảnh: Quang Thế

Luật pháp quy định hình phạt rất nặng cho hành vi xâm hại tình dục trẻ em nhưng con số các em bé bị xâm hại tình dục không vì vậy mà vơi bớt, khiến nỗi đau của vấn nạn này dường như dài ra mãi.

Khủng khiếp

Là luật sư hỗ trợ rất nhiều vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, ủy viên BCH Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN) không thể nào nguôi ám ảnh về hình ảnh những em bé hoảng loạn, sợ sệt sau khi bị lạm dụng tình dục.

“Tôi cho rằng trong những vụ xâm hại tình dục trẻ em phải làm rõ có hành vi xâm hại hay không, tới mức độ nào để xử lý cho phù hợp. Hiện nay mức hình phạt đối với tội này đã được áp dụng rất nghiêm khắc, và các bản án của tội hiếp dâm cũng đã thể hiện sự nghiêm khắc đó” - luật sư Liên nói.

Tuy nhiên, để pháp luật xét xử nghiêm khắc các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em thì việc cung cấp bằng chứng cho cơ quan tiến hành tố tụng là rất quan trọng.

“Thực tế, nhiều nạn nhân không cung cấp được chứng cứ hoặc chứng cứ không rõ ràng thì rất khó cho cơ quan điều tra” - luật sư Liên nói.

“Ca” ám ảnh nhất đối với luật sư Liên là nạn nhân 7 tuổi ở Đồng Tháp bị hiếp dâm đến vỡ cả hậu môn. Khi luật sư Liên được mời để hỗ trợ pháp lý cho cháu bé, bà cùng với chuyên gia tâm lý đến gặp cháu và mẹ. Cháu sợ hãi, rụt rè, hoảng loạn dù sự việc xảy ra đã lâu rồi.

“Chúng tôi hỏi han, vỗ về cháu, đặt máy ghi âm xem cháu nói gì, nhưng cháu chỉ nói lí nhí không nghe được gì hết. Bé bị trầm cảm đến độ chỉ ngồi yên trong một góc không hề hoạt động như những trẻ khác” - bà Liên kể.

Không tìm thấy thủ phạm

Theo luật sư Phạm Hoài Nam (Đoàn luật sư TP.HCM), hiện có một số hành vi dâm ô chưa bị pháp luật trừng trị.

Ví dụ như vụ lạm dụng tình dục với trẻ em ở Hà Nội, vụ “yêu râu xanh” tại Vũng Tàu hoặc gần đây nhất là vụ ở Q.Thủ Đức (TP.HCM) một cháu bé lớp 1 nghi bị xâm hại tình dục ở trường. Tuy nhiên, thời gian tố cáo kéo dài khiến gia đình nạn nhân rất mệt mỏi.

Nguyên nhân là do chỉ có lời khai của các bé và người nhà, còn hành vi xâm hại thì không thể chứng minh bằng chứng cứ trực tiếp như kết quả giám định ADN, dấu vân tay, video, clip hoặc bắt quả tang.

Mặt khác, quá trình khai báo không kịp thời và bí mật nên đã khiến đối tượng tình nghi dè chừng, xóa dấu vết khiến công tác điều tra gặp nhiều khó khăn và hầu như không có kết quả đủ để khởi tố vụ án, đưa kẻ phạm tội ra ánh sáng pháp luật.

Thực tế, khi người lớn phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục đã báo công an ngay lập tức nhưng nhiều vụ sau đó đã không tìm ra được thủ phạm, dù nạn nhân chỉ rõ đối tượng xâm hại mình. Đơn cử như vụ án ở Đồng Tháp phải tạm đình chỉ điều tra vì không tìm được 
thủ phạm.

Một thẩm phán ở TAND TP.HCM cho biết đặc thù chung nhất của vụ án hiếp dâm trẻ em là sự việc xảy ra chỉ có hai người, rất ít vụ có người làm chứng. Công tác tiếp nhận sự việc, biên bản ghi lời khai ban đầu rất quan trọng.

Tuy nhiên thực tiễn cho thấy phần lớn nơi tiếp nhận sự việc tố cáo là ở cấp phường, xã nên cán bộ trực ban là người ghi lời khai, lập biên bản ban đầu.

Nhiều trường hợp do không được đào tạo nghiệp vụ điều tra nên ghi nhận biên bản một cách sơ sài, vi phạm tố tụng nên dẫn đến không thể sử dụng làm chứng cứ buộc tội.

Mặt khác, đối tượng bị xâm hại ở nhiều độ tuổi khác nhau nên hậu quả để lại cũng khác nhau nên có những vụ qua giám định màng trinh không rách, không tìm thấy tinh trùng mà chỉ có tế bào nam... từ đó bị cáo cho rằng chỉ có hành vi dâm ô là sờ mó bộ phận sinh dục mà không có ý định giao cấu thì không thể xử tội hiếp dâm mà phải xử tội dâm ô.

Bên cạnh đó do nhận thức của đại diện bị hại hạn chế nên ngay khi sự việc xảy ra không kịp thời trình báo, cơ quan giám định không thu được các dấu vết, tế bào... và không đủ cơ sở để giám định màng trinh, tinh dịch, tế bào...

Trong xét xử án hiếp dâm thì kết luận giám định là chứng cứ hết sức quan trọng để xác định hành vi phạm tội, có hay không hành vi xâm hại.

Chính vì vậy, công tác giám định cần phải chính xác vì đã từng có những vụ giám định ADN nhưng cho nhiều kết quả khác nhau nên không biết con của ai.

Nữ công an lấy lời khai ban đầu

Ngay sau khi các cháu bị xâm hại, lạm dụng tình dục tâm lý rất hoảng loạn, do vậy việc tiếp xúc với công an có thể tạo ra cảm giác sợ hãi. Do vậy, đối với bé gái mà có nữ công an làm việc hỏi han, không mang cảnh phục sẽ giúp tâm lý các cháu vững vàng hơn.

Đồng thời, cần phải có hệ thống câu hỏi để trẻ có điểm tựa tinh thần để cháu nói. Câu hỏi phải gợi mở để cháu không cảm thấy áp lực và căng thẳng. Đây không đơn thuần là đến công an để trả lời, lấy lời khai.

Thạc sĩ 
Nguyễn Văn Công

(Bộ môn tâm lý học Trường ĐH Nguyễn Huệ, Đồng Nai)

 

Làm gì khi phát hiện trẻ bị lạm dụng tình dục?

“Chứng cứ về hành vi dâm ô là căn cứ buộc tội quan trọng nhất trong vụ án này, vậy nên gia đình cần phải xử lý, thu thập chứng cứ ngay từ giai đoạn đầu khi phát hiện con mình có những biểu hiện bất thường.

Công việc này cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và các cơ quan chính quyền” - luật sư Phạm Hoài Nam nói.

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), ngay khi phát hiện những bất thường trên cơ thể hoặc qua lời kể của con, cha mẹ phải hết sức bình tĩnh, nhẹ nhàng hỏi han con cái để tìm hiểu sự việc, trong một số trường hợp có thể nhờ đến chuyên gia tâm lý.

Tiếp đó cha mẹ cần trình báo cơ quan công an càng sớm càng tốt.

Trên cơ sở tiếp nhận đơn tố cáo thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành biện pháp xác minh, thu thập chứng cứ như cho giám định pháp y, kiểm tra hiện trường xảy ra vụ việc, triệu tập đối tượng tình nghi để khai thác, đấu tranh ban đầu...

Việc này cần phải làm ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường, nếu không các bên có thể chối cãi và dấu tích có nguy cơ bị xóa. Từ những cơ sở mới có thể có bằng chứng để xử lý hành vi vi phạm pháp luật của hung thủ.

Theo luật sư Nam, gia đình và các cơ quan chức năng có thể cần thu thập thêm các chứng cứ khác như các bức hình, camera... Khi thực hiện việc thu thập chứng cứ cần bí mật để tránh tác động đến đối tượng tình nghi, gây khó khăn cho việc thu thập chứng cứ buộc tội.

“Đồng thời gia đình cũng phải trang bị hiểu biết cho con trẻ để phòng tránh các nguy hiểm xã hội, nhất là đừng để các cháu rơi vào các trường hợp có nguy cơ bị lạm dụng tình dục” - luật sư Nam lưu ý.

HOÀNG ĐIỆP - TRÀ MY

 
Theo Hoàng Điệp (Tuổi Trẻ)

Nổi bật