Phiên sơ thẩm xử ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) cùng đồng phạm trong vụ án cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng vừa kết thúc với phần tuyên án vào chiều 29/3.
Ở bản án này, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Thăng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (điều 165 Bộ luật Hình sự 1999). Cùng tội danh, sáu thuộc cấp của ông Thăng phải nhận mức án từ 22 tháng cải tạo không giam giữ tới 7 năm tù. Riêng cựu kế toán trưởng PVN Ninh Văn Quỳnh nhận thêm 16 năm tù với tội danh thứ hai là Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (điều 280 Bộ luật Hình sự 1999).
Ngoài ra, tòa tuyên buộc ông Thăng bồi thường cho PVN 600 tỷ, các bị cáo còn lại liên đới bồi thường 200 tỷ.
Theo bản án, cuối năm 2008, sau cuộc gặp với chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) Hà Văn Thắm, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới góp 800 tỷ đồng của PVN vào ngân hàng này mà không thông qua HĐQT; không xin phép Thủ tướng cũng như các bộ, ngành liên quan. Hậu quả của việc làm trái khiến toàn bộ 800 tỷ đồng bị mất không thu hồi được khi Oceanbank làm ăn thua lỗ, có nhiều sai phạm và bị Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc với giá 0 đồng.
Hậu quả của vụ án bị cơ quan tố tụng xác định đặc biệt lớn nên ngay từ đầu phiên tòa, các bị cáo, luật sư đều tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm cũng như bản chất của thiệt hại. Vấn đề Oceanbank bị mua 0 đồng liên quan thế nào tới việc mất 800 tỷ đồng của PVN, việc mua bắt buộc là đúng hay sai...? chiếm thời khá nhiều thời lượng của ba ngày tranh tụng.
Luật sư: Việc mua Oceanbank giá 0 đồng là quyết định vội vã
Bốn luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng có mặt tại phiên xử là những người tranh luận nhiều nhất về vấn đề Oceanbank bị mua bắt buộc.
Luật sư Phan Trung Hoài đặt câu hỏi ngay từ phần thẩm vấn: "Phải chăng PVN bị mất 800 tỷ là do Ngân hàng Nhà nước mua Oceanbank với giá 0 đồng?". Tương tự, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết "rất nhiều người đã đặt vấn đề" việc mua 0 đồng là đúng hay sai. Theo luật sư, dù Ngân hàng Nhà nước xác định việc mua này có căn cứ song pháp luật chỉ cho "quyền mua", không quy định giá bao nhiêu. Và theo quy luật thị trường, giá cả phải do hai bên thỏa thuận.
Ông Thiệp nói cựu chủ tịch Oceanbank Hà Văn Thắm sở hữu gần 70% cổ phần nhưng khi ngân hàng này bị mua 0 đồng, ông này không được thông báo. PVN có 20% vốn cũng không được thông báo.
Mặt khác, theo luật sư, bản án cuối năm 2017 của TAND Hà Nội khi xét xử sai phạm của hàng loạt lãnh đạo Oceanbank cũng đã đề nghị xem xét lại việc mua 0 đồng. "Vì thế, việc mua 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước không thể là chứng cứ buộc tội các bị cáo|", ông Thiệp nói.
Luật sư Đào Hữu Đăng lo lắng nếu việc mua 0 đồng được thừa nhận sẽ trở thành án lệ, là "vật cản" cho các doanh nghiệp trong tương lai. Luật sư nói điều này hai lần trong khi bào chữa và bị chủ tọa nhắc "không nói những gì xảy ra trong tương lai".
Luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng việc mua Oceanbank với giá 0 đồng là "quyết định vội vã và gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng". Theo đó, để định giá cổ phần phải tính theo giá trị vốn chủ sở hữu, nếu bằng 0 hoặc âm thì tính giá trị cổ phần bằng 0. Nhưng đây là cách tính cổ điển, không phù hợp vì hiện nay còn rất nhiều giá trị vô hình của doanh nghiệp như thương hiệu, chi phí cơ hội, đặc biệt là giấy phép... Trong khi đó theo ông Hà Văn Thắm, trước khi bị mua bắt buộc, Oceanbank đã thu được gần 10.000 tỷ đồng. "Đây đương nhiên là tài sản của các cổ đông", luật sư nói.
Còn ông Hà Văn Thắm khi tới tòa làm chứng cũng khẳng định việc "Ngân hàng Nhà nước dùng báo cáo kiểm toán làm căn cứ để mua 0 đồng là sai". Thậm chí, ông này còn xin HĐXX cho các cổ đông trong đó có PVN nhận lại phần Ngân hàng Nhà nước và kiểm toán đánh giá bằng 0 đồng để bán, bù vào phần thiệt hại.
Tòa án: Quy định mua 0 đồng có giá trị pháp lý
Tranh tụng với các quan điểm bào chữa của luật sư, công tố viên cho hay: Việc mua 0 đồng còn nguyên giá trị pháp luật, xuất phát từ đảm bảo an ninh tiền tệ. Ngân hàng Nhà nước mua 0 đồng là có lợi cho các cổ đông khi vốn điều lệ âm và các cổ đông không có khả năng nộp tiền vào.
Bản án sơ thẩm tuyên chiều 29/3 cũng chỉ ra rằng cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước kết luận hàng năm Oceanbank đều lỗ gần 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế âm tới gần 10.000 tỷ, âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần. Hầu hết những tồn tại đã được thanh tra chỉ ra cuối năm 2012 đã không được Oceanbank chỉnh sửa, rút sai phạm mà ngày càng tái phạm với mức độ lớn hơn.
Theo bản án, hậu quả của sai phạm trong tín dụng dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc toàn bộ vốn góp của cổ đông Oceanbank trong đó có PVN.
HĐXX thấy rằng việc Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc toàn bộ cổ phần Oceanbank là quan hệ mua bắt buộc giữa Ngân hàng Nhà nước với Oceanbank, không phải là quan hệ chuyển giao vốn nhà nước giữa cổ đông là doanh nghiệp nhà nước với ngân hàng.
Dẫn chứng khoản 4, điều 12 Luật Ngân hàng Nhà nước; khoản 2, điều 49 của Luật Các tổ chức tín dụng, tòa khẳng định khi ngân hàng có xu hướng mất khả năng thanh toán, không thực hiện được việc tăng vốn thì Ngân hàng Nhà nước phải mua bắt buộc.
Theo HĐXX, giả sử Chính phủ cho PVN thoái vốn thì Oceanbank cũng không có khả năng thanh toán vì cuối năm 2012 ngân hàng này đã thua lỗ hàng năm, mất khả năng thanh khoản. Hơn nữa có cho thoái vốn cũng chỉ là chuyển thiệt hại từ PVN sang doanh nghiệp khác. Vì vậy HĐXX không chấp nhận luận cứ bào chữa của các luật sư.