Ngày 22/7, phiên tòa xét xử vụ án sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả tiếp tục với phần tranh luận về hành vi nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Đề nghị mức án cụ thể
Trước đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Hà Nội đề nghị xử phạt ông Trần Hùng - cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường, mức án 9-10 năm tù về tội "Nhận hối lộ".
Các bị cáo thuộc cán bộ Đội Quản lý thị trường 17 gồm Lê Việt Phương bị đề nghị 30 - 36 tháng tù, Phạm Ngọc Hải 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Thành Thị Đông Phương 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo đó Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, bị đề nghị 11-12 năm tù về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả. 31 bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 năm nhưng cho hưởng án treo đến 8 năm tù.
Nguyễn Duy Hải - lao động tự do, bị đề nghị 1 năm 11 tháng tù về tội "Môi giới hối lộ".
Theo Viện kiểm sát, lợi dụng chính sách mở cửa của nhà nước cho phát triển kinh tế mà nhiều doanh nghiệp đã thực hiện hành vi phạm tội. Từ đó, việc sản xuất, buôn bán hàng giả diễn ra ở nhiều địa phương với những diễn biến khó lường.
Vụ án này là một điển hình cho sai phạm về sản xuất hàng giả, các bị cáo, mỗi người ở một khâu khác nhau đã giúp sức cho Cao Minh Thuận sản xuất lượng lớn sách giáo khoa giả.
Để xảy ra sai phạm còn có trách nhiệm của cán bộ tuyến đầu phòng chống gian lận thương mại và trực tiếp là Đội quản lý thị trường số 17 cùng tổ công tác của Tổng cục quản lý thị trường.
Một số cán bộ quản lý thị trường, điển hình như Lê Việt Phương đã vì động cơ cá nhân mà vụ lợi để làm trái công vụ, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước.
Khi xét xử, 35/36 bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội, xin giảm nhẹ hình phạt, duy nhất có bị cáo Trần Hùng không thừa nhận hành vi.
Viện kiểm sát cho rằng, mặc dù bị cáo Trần Hùng không nhận tội nhưng căn cứ vào các lời khai, kết quả thực nghiệm, sơ đồ do người đưa tiền vẽ và các chứng cứ thu thập được, có đủ căn cứ xác định bị cáo Hùng đã nhận hối lộ 300 triệu đồng.
Theo cơ quan điều tra, hành vi của bà Thuận có dấu hiệu tội Đưa hối lộ song tích cực hợp tác, chủ động khai báo hành vi trước khi bị phát giác nên được miễn trách nhiệm hình sự.
Cáo trạng thể hiện, Cao Thị Minh Thuận đã tổ chức sản xuất và thực tế đã nhập kho tổng cộng hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác, với tổng trị giá sách theo bìa (hàng thật) là hơn 260 tỷ đồng.
Thuận đã tiêu thụ tổng số hơn 6,3 triệu quyển sách giả, tổng giá trị sách theo giá bìa là hơn 164 tỷ đồng, với tổng giá trị theo hoá đơn bán lẻ sau khi trừ chiết khấu là hơn 73 tỷ đồng, hưởng lợi 30 tỷ đồng.
Trước đó, vào ngày 8/7/2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Thuận kết nối với Nguyễn Duy Hải để “bắt mối” với ông Hùng. Theo hướng dẫn của ông Hùng, Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc sách, từ sách mua thành sách do người khác mang đến ký gửi.
Sáng 15/7/2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc của ông Hùng. Tại đây, Hải nói Thuận đưa trước 300 triệu đồng và đưa túi tiền nhưng ông Hùng nói cất đi.
Đầu giờ chiều, Hải cầm túi tiền quay lại Tổng cục quản lý thị trường. Khi đi đến khu vực làm việc của Cục nghiệp vụ tại tầng 2, Hải quay lại phía khu vực cầu thang tầng 2, đi lên tầng 3, men theo lối hành lang tòa nhà để đi vào phòng làm việc của ông Hùng qua cửa sau.
Cáo trạng kết luận, ông Hùng đã nhận 300 triệu đồng từ Hải. Ông Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương tạo điều kiện giúp đỡ cho Thuận theo hướng xử lý hành chính.
Tranh cãi về chứng cứ vật chất
Quá trình tranh luận, luật sư cho rằng Viện kiểm sát chỉ dựa vào lời khai "nhiều mâu thuẫn" của Hải để buộc tội thân chủ mà không đưa ra các chứng cứ vật chất khác.
Ban đầu, Hải khai đưa tiền ngày 20/7/2020 nhưng sau đó lại thay đổi lời khai, thành ngày 15/7/2020. Theo luật sư, tại tòa, bị cáo Hải xác nhận đưa tiền cho Trần Hùng vào khoảng 13h ngày 15/7/2020. Tuy nhiên, cáo buộc của VKS không nêu cụ thể thời gian mà chỉ ghi là "đầu giờ chiều".
Vấn đề đặt ra ở đây, đầu giờ chiều là 12h, 13h hay 14h. Luật sư cho rằng đây là điểm mâu thuẫn khi trưa 15/7/2020, ông Hùng ăn cơm ở nhà vì hôm đó gia đình có đám giỗ.
Luật sư cho rằng lời khai của Hải thuộc loại không xác định được thời điểm, thời gian nên không có giá trị chứng minh.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền và Cao Thị Minh Tâm, cáo buộc ông Hùng nhận 300 triệu đồng là không có chứng cứ trực tiếp. Chứng cứ vật chất quan trọng nhất là khoản tiền 300 triệu đồng không tìm thấy. Việc thực nghiệm điều tra không có giá trị vì trên thực tế Hải đã đến phòng làm việc của Trần Hùng nhiều lần trước và sau ngày 15/7/2020 và đều đi bằng lối phụ.
Ngoài ra, không có căn cứ chứng minh “túi nilon đen” có 300 triệu đồng, không có người làm chứng việc đưa/nhận hối lộ, không chứng minh được thời gian bị cáo Hải đưa tiền hối lộ.
Đối đáp với các ý kiến luật sư, Viện kiểm sát cho rằng nguồn chứng cứ có thể là từ nhiều nguồn khác nhau, không phải lúc nào cũng là chứng cứ vật chất. Nguồn chứng cứ ở đây có thể là lời khai của bị cáo, là vật chứng, biên bản đối chất, biên bản giám định.
Hơn nữa, để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo, có thể căn cứ vào lời kể lại, nghe lại của những người khác, trong khi những lời này là khách quan, logic.
Trong vụ án này, Viện kiểm sát cho rằng lời khai của Hải "rất logic, có đầy đủ trật tự về thời gian, địa điểm" và đã phù hợp với các chứng cứ khác.
Theo Viện kiểm sát, từ 13h10 đến 13h15 là khoảng thời gian bị cáo Hải đưa tiền cho Trần Hùng. Trước đó, lúc 12h59 đã phát sinh cuộc gọi giữa ông Hùng và Hải.
Theo Đỗ Mến (Vneconomy.vn)