Chiều ngày 24/1, phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư bảo về cho bị cáo Trầm Bê.
Trầm Bê có là đồng phạm của Phạm Công Danh?
Theo luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng, việc đồng phạm xảy ra chỉ khi cả 2 người cũng hiểu, biết ý chí của người kia. Qua xét hỏi tại tòa, bị cáo Trầm Bê không biết được những vấn đề xảy ra tại VNCB. Bị cáo Bê chỉ biết Phạm Công Danh cần tiền nhưng không vay được tiền của VNCB. Chính vì vậy, không có đủ lý luận để cho rằng bị cáo Trầm Bê đồng phạm với bị cáo Phạm Công Danh.
Cáo trạng quy kết rằng bị cáo Trầm Bê đã bàn bạc thống nhất cho Phạm Công Danh vay tiền. Ngôn từ trong cáo trạng gây hiểu nhầm nghiêm trọng rằng bị cáo Trầm Bê đã đồng phạm, cấu kết cùng bị cáo Phạm Công Danh. Các câu hỏi tại tòa cũng như lời khai của bị cáo Phan Thành Mai hay Phạm Công Danh đều cho thấy bị cáo Trầm Bê không biết vấn đề đằng sau của VNCB.
Trầm Bê cho VNCB vay tiền với điều kiện VNCB thế chấp tiền gửi chứ bị cáo Trầm Bê không cho cá nhân bị cáo Phạm Công Danh vay.
Cáo trạng ghi rằng Trầm Bê thống nhất với Phan Huy Khang cho Danh vay 1.800 tỷ đồng là vô hình chung ấn định rằng bị cáo Trầm Bê có liên hệ với bị cáo Danh. Luật sư cũng khẳng định trong quan hệ làm ăn thì có sự quen biết nhau là chuyện bình thường. Luật sư khẳng định bị cáo Trầm Bê không biết bản chất vay vốn của 6 công ty và không biết mức độ nguy hiểm trong việc cho 6 công ty này vay tiền.
Luật sư cũng khẳng định, bị cáo Trầm Bê không đồng phạm với Phạm Công Danh và không biết mức độ nguy hiểm trong hành vi của bị cáo Danh.
Luật sư Hồng cho rằng bị cáo Bê cũng không phạm tội cố ý làm trái khi cho 6 công ty vay mà không có tài sản đảm bảo vì khoản bảo đảm bằng tiền gửi của VNCB là hợp pháp và pháp luật không cấm việc bảo đảm này.
Luật sư cũng khẳng định việc VNCB thiệt hại 1.835,8 tỷ đồng là do hoạt động bảo lãnh của VNCB, không liên quan đến bị cáo Trầm Bê hay Sacombank. Sacombank đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và không bị thiệt hại. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét tuyên bị cáo Trầm Bê vô tội.
Luật sư Trần Quốc Khánh khẳng định, Phạm Công Danh không cho Trầm Bê biết mục đích thật của việc sử dụng tiền vay, cũng như tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng tại VNCB.
Cũng theo luật sư Khánh, quan hệ giữa bị cáo Bê và Danh chỉ là quan hệ giữa hai doanh nhân là chủ của hai pháp nhân kinh doanh độc lập và không đồng nhất về mặt lợi ích. Do vậy khi đưa Phạm Công Danh xuống gặp TGĐ Phan Huy Khang để triển khai các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật và quy định của Sacombank, Trầm Bê hoàn toàn không có bất cứ hành động chỉ đạo, thúc ép hoặc gây áp lực nào nhằm buộc các thuộc cấp phải cho 06 công ty trên vay tiền bằng mọi giá.
Luật sư Khánh chỉ ra rằng, trong vụ án này có nhiều quan chức ngân hàng cũng có cùng hành vi như Trầm Bê, thậm chí còn ban hành cả văn bản thể hiện ý chí tập thể trong việc thực hiện chủ trương nhận tiền gửi của VNCB tại tổ chức tín dụng của mình để bảo lãnh cho các công ty vay tiền giống như phương thức được thực hiện tại Sacombank. Tuy nhiên với các nhân vật này thì cơ quan tố tụng lại cho rằng hành vi của họ không cấu thành tội phạm và chỉ đề nghị xử lý hành chính, trong khi đó lại áp dụng chế tài hình sự với bị cáo Bê và Khang.
Luật sư Khánh cũng đề nghị xem xét lại tội danh của bị cáo Bê cũng như trách nhiệm bồi thường về dân sự.
Luật sư Phạm Ngọc Trung thì khẳng định, bị cáo Trầm Bê chủ trương cho vay đúng quy định của pháp luật, nhưng cấp dưới đã có sai sót trong việc thực hiện. Như vậy, không có cơ sở để cho rằng bị cáo Trầm Bê cố ý làm trái quy định cho vay.
“Khi có tiền bảo lãnh của VNCB tại Sacombank thì ông Trầm Bê tin tưởng là việc bảo lãnh đã được VNCB chủ trương cho bảo lãnh. Chính vì thế, ông Bê mới có giải quyết cho vay. Ông Bê cho rằng luôn có một khoản bảo lãnh khoản vay bằng tiền rồi thì không thể thất thoát được và nếu Sacombank không cho vay thì các ngân hàng khác cũng cho vay”, luật sư Trung nói .
Cũng theo luật sư Trung, sau khi tất toán khoản vay 3 năm, CQĐT vào làm việc thì ông Trầm Bê mới biết được 6 công ty trên là của ông Phạm Công Danh. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét lại tội danh của ông Trầm Bê, không phải là đồng phạm, không phải là cố ý làm trái.
Trầm Bê khẳng định bảo vệ Sacombank và ‘làm khó” cho Phạm Công Danh
Bằng giọng yếu ớt, Trầm Bê bổ sung bào chữa của các luật sư. Theo Trầm Bê, qua diễn biến tại tòa bị cáo mới biết Phạm Công Danh lấy pháp nhân 6 công ty rồi vay của Sacombank, cũng như tới giờ phút này ông cũng không biết trụ sở VNCB ở đâu, rồi Ngân hàng Đại Tín quan hệ với bị cáo Danh ra sao.
“Tui chỉ biết đặt ra một điều kiện là ông Danh phải có tài sản thế chấp có giá trị, ông Danh đáp ứng thì tui chỉ đạo ông Phan Huy Khang (nguyên TGĐ SacomBank) làm thủ tục cho ông Danh vay”, Ông Trầm Bê nói.
Cũng theo ông Trầm Bê, nếu mà ông không chỉ đạo và không ký thì cấp dưới không làm gì được, “Xin tòa xem xét giảm một phần hình phạt cho ông Phan Huy Khang”, Trầm Bê tha thiết đề nghị.
Trầm Bê trình bày thêm, “Trong 3 ngân hàng liên quan, ngân hàng Sacombank của tui đã ký tất toán rồi, xong xuôi hết thì bên VNCB có án, rồi bên tui bị điều tra luôn, nhưng mà tui thì tui chỉ có biết bảo vệ Sacombank, tức tiền của nhân dân ở Sacombank thì tui giữ được, tui làm sinh lợi nữa. Phía ông Danh sao tui biết được”.
Trầm Bê thừa nhận hành vi mà cáo trạng truy tố thì bị cáo chịu, không cãi “Nhưng mà tui có cố ý sai đâu. Tui cho vay mà ông Danh là khách hàng lớn, ngân hàng thì phải cho vay, tui cho ông Danh vay với điều kiện khó là có tài sản giá trị thế chấp, không phải ai cho vay số tiền nhiều mà có tài sản thế chấp cũng lớn vậy đâu, đó là tui bảo vệ ngân hàng tui rồi, có khi còn làm khó ông Danh. Vậy sao tui cố ý làm trái được, mong Tòa xem xét.” Trầm Bê phân trần.
Trầm Bê cũng xin HĐXX xem xét mức án mà đại diện VKS đã đề nghị, bởi theo bị cáo mức án 5-6 năm là quá nặng “Cho tui ra ngoài sớm vì tui chỉ làm lợi cho xã hội thôi, đừng sợ tui làm hại xã hội mà tuyên án tù lâu. 40 năm qua tui làm ăn không sai pháp luật gì, nay mới có vụ này nói tui sai thôi, vậy là lần đầu sai phạm, nên tui xin Tòa tuyên án giảm hình phạt để tui ra ngoài làm điều tốt cho xã hội”, Trầm Bê nhẹ giọng nói.
Theo Đoàn Nga (VietNamNet)