Ngày 8-5, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tuyên phạt bị cáo Phạm Ngọc Phượng (54 tuổi, cựu Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi) 4 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ"; bị cáo Nguyễn Bá Nhật (66 tuổi, cựu Chánh Tòa Lao động TAND tỉnh Quảng Ngãi), Đỗ Văn Thương cùng 2 năm tù về tội "Môi giới hối lộ"; Hà Trần Vũ 3 năm tù, Mai Văn Học và Nguyễn Thành Tín mỗi bị cáo 1 năm 6 tháng tù, cùng về tội "Đưa hối lộ".
Nhiều lần làm giả kết quả giám định
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, từ năm 2016 đến 2022, bị cáo Phượng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiều lần nhận tiền qua trung gian từ các bị cáo Nhật, Thương để làm nhiều bản kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả, giúp các đối tượng đã bị kết án có đủ điều kiện được TAND xét hoãn chấp hành án phạt tù.
Cụ thể, bị cáo Hà Trần Vũ phạm tội "Cố ý gây thương tích", bị TAND TP Quảng Ngãi kết án 2 năm tù. Sau khi có quyết định thi hành án, Vũ đã nhờ bị cáo Nhật (hàng xóm, thời điểm đó là Chánh Tòa Lao động của TAND tỉnh Quảng Ngãi) giúp đỡ. Bị cáo Nhật nói với Vũ sẽ tìm người làm giúp bản kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả thể hiện Vũ bị bệnh nặng để đủ điều kiện xin hoãn chấp hành án nhưng phải đưa tiền để cảm ơn người giúp đỡ.
Sau đó, bị cáo Nhật đã trao đổi, nhờ bị cáo Phượng làm bản kết luận giám định pháp y giả cho Vũ. Bị cáo Phượng đã làm giả kết quả giám định Vũ bị "lao phổi mạn tính". Sau khi có kết quả giám định giả, Nhật đưa Phượng 10 triệu đồng như thỏa thuận.
Sau đó, Nhật yêu cầu Vũ đưa 20 triệu đồng để nhận lại kết luận. Vũ đã đem kết luận bệnh tật giả nộp cho TAND TP Quảng Ngãi nhưng tòa thẩm định xét thấy bệnh tật của Vũ chưa đủ điều kiện được hoãn thi hành án nên TAND TP Quảng Ngãi đã trưng cầu giám định lại.
Bị cáo Phượng làm lại bản kết luận giám định pháp y về bệnh tật, kết luận Vũ bị bệnh "lao phổi mạn tính đa kháng thuốc, bệnh cần điều trị lâu ngày". Căn cứ bản kết luận giám định pháp y này, TAND TP Quảng Ngãi ra quyết định cho Vũ được hoãn chấp hành án trong 1 năm.
Khi gần hết thời hạn hoãn thi hành án, Vũ lại gặp Nhật để nhờ làm giả kết quả khác. Tổng cộng, Vũ xin hoãn "đi tù" 3 lần (từ năm 2017 đến 2019), mỗi lần Vũ đưa Nhật 20 triệu đồng, Nhật đưa lại Phượng 10 triệu đồng.
Đến ngày 21-2-2020, VKSND TP Quảng Ngãi đã kháng nghị quyết định hoãn chấp hành án đối với Vũ với lý do Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi không có chức năng giám định y khoa để hoãn chức năng thi hành án.
TAND TP Quảng Ngãi đã trưng cầu Hội đồng Giám định y khoa tỉnh Quảng Ngãi giám định và xác định Vũ có tiền sử lao phổi đã điều trị khỏi. Đến ngày 21-6-2021, bị cáo này đã chấp hành xong án tù 2 năm.
Tương tự, Phạm Ngọc Tiên phải chấp hành hình phạt 2 năm tù về tội "Trộm cắp tài sản". Do Tiên là lao động duy nhất trong gia đình nên được TAND huyện Tư Nghĩa xét hoãn chấp hành án 1 năm.
Khi gần hết thời hạn, Tiên đến gặp Nhật nhờ giúp hoãn thi hành án 3 lần. Theo hướng dẫn, Tiên đưa đơn thuốc đang điều trị bệnh thận cho Nhật để nhờ Phượng làm kết luận thể hiện bị bệnh "suy thận độ IV, nguy hiểm đến tính mạng cần điều trị dài ngày" với chi phí 13 triệu đồng (Phượng lấy 10 triệu đồng). Đến ngày 8-4-2022, Tiên đã đi chấp hành án và ngày 2-8-2023 được tha tù trước thời hạn.
Mất tất cả
Được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án, bị cáo Phượng nói: "Chỉ vì suy nghĩ lệch lạc, bản thân bị cáo và gia đình đã mất tất cả. Bây giờ đứng trước tòa, chỉ còn lại nỗi ô nhục. Bị cáo thành khẩn xin lỗi gia đình, những người liên quan… Mong tòa cho bị cáo sớm có cơ hội làm việc có ích cho xã hội, gia đình".
Trong gần 2 ngày xét xử, bị cáo Phượng tỏ ra rất ăn năn, hối hận với hành vi phạm tội của mình. Theo đánh giá của HĐXX, bị cáo Phượng là người có chuyên môn tốt, được giao phó nhiệm vụ rất quan trọng là giám đốc Trung tâm Pháp y.
Chỉ vì mục đích cá nhân, bị cáo đã không làm đúng chức trách, lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm giả nhiều kết luận pháp y, "biến" người bị kết án từ không có bệnh thành có bệnh nặng.
"Hành vi của bị cáo đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến sự nghiêm minh, tính công bằng của pháp luật và uy tín của cơ quan giám định trong giám định tư pháp và thi hành án dân sự" - đại diện VKSND tỉnh Quảng Ngãi nêu quan điểm.
Trong phần tự bào chữa, bị cáo Phượng cho rằng: "Việc làm giả kết quả giám định pháp y, bị cáo nghĩ giúp người, chỉ là tạm hoãn thi hành án, còn bản án trước sau gì cũng được thi hành…".
Lời biện minh này bị HĐXX lập tức bác bỏ. "Bị cáo nói là giúp người nhưng sao mỗi lần làm giả kết quả giám định đều nhận tiền, quà từ họ?" - một thẩm phán đặt câu hỏi.
Bị cáo Nguyễn Bá Nhật (từng là thẩm phán, luật sư) được HĐXX đánh giá là người am hiểu về pháp luật, có thâm niên công tác trong ngành tòa án, có nhiều đóng góp cho đất nước trong chiến tranh.
Thế nhưng, bị cáo lại làm cầu nối, môi giới hối lộ để làm giả kết quả giám định pháp y, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
"Các bị cáo Phượng, Nhật đã tự đánh đổ tất cả công sức cố gắng, vất vả phấn đấu, cống hiến suốt bao năm làm việc, khiến bản thân bị vướng lao lý, gia đình bị ảnh hưởng.
Đây cũng là bài học lớn cho những người giữ chức vụ, quyền hạn phải biết kiểm soát hành vi của mình trong thi hành công vụ" - chủ tọa phiên tòa nhấn mạnh.
Làm giả 15 kết quả, nhận 97 triệu đồng
Theo điều tra, với vai trò giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Ngãi, tính đến khi Cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố bắt giữ, bị cáo Phạm Ngọc Phượng đã làm giả 15 kết quả giám định pháp y. Mỗi lần làm giả, Phượng đều nhận tiền, quà hối lộ. Tổng số tiền Phượng nhận hối lộ là 97 triệu đồng.
Bị cáo Nguyễn Bá Nhật đã nhận của các bị cáo khác 95 triệu đồng, đưa cho Phượng tổng cộng 52 triệu đồng để nhờ làm giả kết quả giám định pháp y, bị cáo Nhật hưởng lợi 43 triệu đồng.
Theo Tử Trực (Nld.com.vn)