Giang Kim Đạt và Dương Chí Dũng là 2 bị can từng trốn truy nã quốc tế trong nhiều ngày. Sau khi bị cơ quan chức năng bắt, họ phải hầu tòa và mang bản án tử hình.
Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản là 2 tội danh Trịnh Xuân Thanh có thể phải đối mặt sau khi đầu thú. |
Trịnh Xuân Thanh và hơn 300 ngày trốn lệnh truy nã
Bị can Trịnh Xuân Thanh (sinh năm 1966) - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch HĐQT PVC từng gây xôn xao dư luận khi sử dụng xe Lexus 570 gắn biển xanh, năm 2016.
Tháng 6/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao Ủy ban kiểm tra Trung ương cùng cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ việc ông Thanh sử dụng xe cá nhân gắn biển xanh và các vấn đề liên quan.
Đường vướng lao lý của Trịnh Xuân Thanh. Đồ họa: Sang Ngô. |
Một tháng sau, Ủy ban kiểm tra Trung ương kết luận, Trịnh Xuân Thanh và nhiều cán bộ cấp cao của PVC có hành vi làm trái các quy định của pháp luật về kinh tế, để xảy ra sai phạm và làm thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng.
Ban Bí thư kết luận ông Trịnh Xuân Thanh là người chịu trách nhiệm chính về các khuyết điểm, vi phạm và thua lỗ ở PVC.
Hành trình trốn chạy của nguyên Phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang khởi nguồn từ ngày 19/8/2016. Trịnh Xuân Thanh làm đơn xin ra nước ngoài chữa bệnh và không rõ tung tích từ đó.
Tháng 9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Thanh về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 16/9/2016, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế Trịnh Xuân Thanh. Qua rà soát, Bộ Công an nhận định Thanh không bỏ trốn theo đường chính ngạch.
Lúc đó, trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát Bộ Công an cho biết một số tổ chức quốc tế như Interpol, Europol, Aseanpol và công an các nước như Nga, Mỹ, Canada, Đức, Trung Quốc... cũng vào cuộc hỗ trợ Việt Nam truy bắt Trịnh Xuân Thanh.
Trả lời một cử tri ở TP.HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Trịnh Xuân Thanh dù có trốn đi đâu cũng sẽ bị lôi ra ánh sáng và truy tố trước pháp luật. “Trước đây từng có một số trường hợp bỏ trốn ra nước ngoài như Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt. Có trường hợp bỏ trốn 5 - 6 năm, cuối cùng cũng bị bắt, đưa về xét xử”, Chủ tịch nước nói.
Hành trình trốn chạy của Dương Chí Dũng
Trong vụ án Dương Chí Dũng, Cơ quan cảnh sát điều tra xác định đây là vụ án gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, có tính chất phức tạp.
Dương Chí Dũng (sinh năm 1957) từng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Vinalines (thuộc Bộ Giao thông Vận tải). Trước khi vướng lao lý, ông Dũng còn là nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Vinalines kiêm thường vụ Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương.
Theo điều tra của cơ quan chức năng, chưa được Thủ tướng phê duyệt nhưng cuối tháng 6/2007, Dương Chí Dũng đã ký quyết định phê duyệt dự án nhà máy sửa chữa tàu biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó đã bị đội lên thành 6.489 tỷ đồng.
Dương Chí Dũng bị bắt ngày 4/9/2012, sau gần 3 tháng lẩn trốn và bị truy nã quốc tế. |
Dương Chí Dũng với tư cách là Chủ tịch HĐQT Vinalines đã cấu kết cùng với Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc và các cá nhân khác cố ý làm trái trong việc đầu tư, tổ chức đấu thầu, thanh toán trong việc mua ụ nổi 83M, gây thiệt hại cho nhà nước gần 400 tỷ đồng. Trong vụ án này, Dương Chí Dũng đã chỉ đạo các đồng phạm nâng khống số tiền mua ụ nổi để tham ô 1,6 triệu USD.
Ngày 18/05/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, ra lệnh bắt đối với Dương Chí Dũng để điều tra hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Biết trước sẽ bị bắt, Dũng vội báo cho em trai là Dương Tự Trọng (Phó giám đốc Công an Hải Phòng lúc đó) tìm cách đưa ông rời khỏi Việt Nam.
Ngày 19/5/2012, một ngày sau quyết định khởi tố và bắt giam, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã đối với Dũng. Ngày 21/6/2012, Bộ Công an đề nghị truy nã quốc tế ông Dũng và được Ban Tổng thư ký tổ chức Interpol đồng ý.
Để giúp anh trai bỏ trốn, đại tá Dương Tự Trọng đã cùng 2 người thân tín là Vũ Tiến Sơn (Phó phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm môi trường, Công an Hải Phòng) và một nhóm người bàn kế hoạch tổ chức cho ông Dũng trốn đi nước ngoài.
Đầu tháng 5/2012, nhóm thân tín của Dương Tự Trọng nhiều lần sử dụng ôtô để bí mật đưa Dũng vào miền Nam, trốn qua cửa khẩu sang Campuchia. Để tránh sự truy bắt của cảnh sát, họ sử dụng sim rác khi liên lạc, đặt biệt danh cho từng người tham gia. Dũng cũng có một biệt danh.
Ngày 23/5/2012, Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia qua đường tiểu ngạch. Ngày hôm sau, “đàn em” của Trọng mua vé máy bay đưa Dũng sang Singapore để làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Do không được nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5/2012, ông Dũng quay về Campuchia.
Ngày 4/9/2012, Dương Chí Dũng bị công an Việt Nam và cảnh sát Campuchia phối hợp bắt giữ, đưa về nước. Nửa năm sau, ông Trọng bị bắt khi đã lên chức Cục phó Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an.
Trung tuần tháng 12/2013, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm các vụ án. Sau 3 ngày xét xử, HĐXX tuyên Dương Chí Dũng án tử hình với các tội danh Tham ô và Cố ý làm trái.
Phiên xử phúc thẩm diễn ra vào cuối tháng 4/2014. Sau một tuần thẩm vấn và nghị án, cấp phúc thẩm tuyên y án tử hình.
Giang Kim Đạt trốn truy nã 5 năm bằng hộ chiếu giả
Trong số các bị can trốn lệnh truy nã quốc tế của Bộ Công an, Giang Kim Đạt có gần 2.000 ngày trốn chạy. Đây là một trong những vụ án mà số tài sản tham nhũng được thu hồi cho Nhà nước lên đến gần 20 triệu USD, tương đương hơn 400 tỷ đồng.
Giang Kim Đạt tại tòa. Ảnh: Vân Thanh. |
Đầu tháng 5/2006, Đạt được giao quyền Trưởng phòng kinh doanh và quan hệ quốc tế thuộc Công ty TNHH Một thành viên vận tải viễn dương Vinashin - Vinashinlines.
Quá trình công tác, Đạt cùng nhiều cán bộ lãnh đạo của Vinashinlines có hành vi chiếm đoạt gần 16 triệu USD, trong đó nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Giang Kim Đạt tham ô 255 tỷ đồng qua các dự án mua tàu khai thác kinh doanh cho thuê tàu biển.
Đạt là người đàm phán, thỏa thuận các điều khoản của hợp đồng mua tàu, cho thuê tàu với công ty đối tác, công ty môi giới, yêu cầu họ trích lại số tiền từ 0,1 đến 5,75% trên giá trị hợp đồng theo chỉ đạo của cấp trên.
Ngoài ra cơ quan chức năng còn xác định trong quá trình đàm phán, thỏa thuận, Giang Kim Đạt đã tự ý nâng tỷ lệ phần trăm tiền gửi giá để chiếm hưởng cá nhân. Để che giấu nguồn tiền phạm pháp trên, Giang Kim Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ.
Cuối tháng 8/2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Tham ô tài sản; Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có; Che giấu tội phạm, xảy ra tại Vinashinlines.
Đạt được xác định là một mắt xích quan trọng trong vụ án. Ngày 23/8/2010, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can đối với Giang Kim Đạt. Tuy nhiên, Đạt đã kịp bỏ trốn sang Singapore, Thái Lan, Trung Quốc và một số nước khác. Ngày 8/11/2010, Bộ Công an gửi thông báo truy nã đến Interpol.
Lực lượng truy bắt phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Interpol áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ truy tìm Đạt nhưng không có kết quả. Đạt có sự chuẩn bị tâm lý lẩn trốn, sử dụng nhiều thủ đoạn hết sức tinh vi để che giấu hành vi phạm tội, không để lại bất cứ chứng cứ nào.
Quá trình truy xét, Cơ quan điều tra đã phát hiện nơi nghi vấn Đạt lẩn trốn ở nước ngoài. Đến ngày 7/7/2015, tức sau hơn 1.800 ngày trốn lệnh truy nã, Giang Kim Đạt đã sa lưới.
Hôm 22/2/2017, TAND Hà Nội tuyên Giang Kim Đạt án tử hình về tội Tham ô tài sản.
Theo Hoàng Lam (Tri Thức Trực Tuyến)