|
Văn phòng đại diện báo Kinh doanh và Pháp luật tại Hải Phòng đã bị niêm phong sau cuộc khám xét khẩn cấp. Ảnh Tiền Phong. |
Như một quán tính tự nhiên, tôi bấm điện thoại gọi cho Phan Văn Thương - Trưởng văn phòng đại diện của báo KD&PL tại Hải Phòng để hỏi về sự việc kia. Qua điện thoại, Phan Văn thương báo cáo với tôi rằng: "Có một bà ở phường Lê Đại Hành, quận Hồng Bàng xây tòa nhà 7 tầng sai phép có ý bồi dưỡng cho 5 triệu đồng. Nhưng khi Tân vừa đến nhận tiền thì bị công an bắt giữ và đưa về Công an phường Thượng Lý". Nghe Phan Văn Thương báo cáo, tôi giận dữ nói: "Một triệu cũng chết chứ đừng nói là đến năm triệu. Ngay bây giờ, với trách nhiệm là Trưởng văn phòng đại diện, cậu phải đến ngay Công an phường Thượng Lý để xem tình hình thế nào rồi báo cáo cho tôi biết.”
Kết thúc cuộc nói chuyện với Phan Văn Thương, tôi lặng người ngồi trong phòng làm việc với những câu hỏi phản biện lập lòe: "Trời ơi, sao đồng tiền lại dễ dàng sai khiến người ta làm những việc làm thất đức đến như thế? Sao đồng tiền đã làm hủy hoại thành quả lao động vất vả và gian nan của hàng trăm con người để có được một cơ ngơi của một cơ quan báo chí trong suốt 5 năm qua? Sao đồng tiền đã biến những chàng trai với ước ao, hoài bão một thời còn là sinh viên ở trường đại học, giờ đây ma lực của đồng tiền đã biến họ trở thành những tù nhân của pháp luật? Rồi đây, không chỉ họ, mà còn gia đình, bố mẹ, vợ con họ phải sống trong lo âu…”.
Không bàng quan, với trách nhiệm của một người đứng đầu cơ quan báo chí, sau ít phút tôi triệu tập cuộc họp với một số cán bộ chủ chốt của cơ quan và cử đồng chí Vũ Nhật Thăng, một trưởng ban cấp tốc đi Hải Phòng để vừa nắm tình hình vụ việc, vừa phối hợp hợp tác với cơ quan điều tra Công an quận Hồng Bàng để góp phần làm rõ vụ việc.
Đêm đó, lại một đêm tôi không ngủ. Những kí ức ngày xưa về thành phố hoa phượng đỏ lại có dịp trở lại với tôi. Đó là những ngày hè những năm đầu thập kỉ 60 của thế kỉ trước, khi ba tôi - một người đã có nhiều năm công tác tại công an thành phố Hải Phòng; sau đó đến năm 1964 ba được cử đi chiến trường chiến đấu rồi hy sinh trong cuộc tấn công và nổi dậy của quân và dân ta tại mặt trận Sài Gòn - Gia Định vào xuân Mậu Thân năm 1968.
Có thể nói cho đến bây giờ, trong kí ức Hải Phòng vẫn là thành phố tuổi thơ của tôi, khi mà vào thời điểm ấy cứ mỗi độ nghỉ hè, ba tôi thường đón tôi ra thành phố thăm thú và nghỉ ngơi. Sau này trở thành một chiến sỹ công an, một nhà báo chuyên nghiệp của ngành Công an, tình yêu đối với thành phố này của tôi vẫn chưa vơi cạn. Hàng năm, dù công việc bận mấy tôi vẫn dành thời gian về thành phố thăm các cô, các chú nguyên là đồng đội của ba tôi nay đã nghỉ hưu hoặc thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất.
Vì vậy, sau hơn chục năm là Phó Tổng Biên tập báo Công an Nhân dân, tôi được Bộ cho nghỉ chế độ và về đảm nhiệm cương vị Tổng Biên tập báo KD&PL; khi thành lập tờ báo tôi đã có ý định xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên để tuyên truyền về thành phố Hải Phòng. Đúng vào thời điểm ấy thì Đào Văn Lai, nguyên là phóng viên của tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập xuất hiện. Đào Văn Lai chủ động đến gặp tôi và xin về đầu quân cho báo. Mặc dù mới gặp Lai, nhưng bằng những cảm nhận tôi thấy Lai là người có cái tâm, cái đức và sự nhiệt tình của người làm báo. Rất tiếc, Đào Văn Lai cộng tác với báo được gần hai năm thì anh qua đời bởi một căn bệnh ung thư quái ác.
Sau khi Đào Văn Lai qua đời thì một nhân vật khác xuất hiện - đó là Phan Văn Thương. Phan Văn Thương đến gặp tôi vào cuối năm 2015 với tấm thẻ Nhà báo, phóng viên của một tờ báo của ngành Thanh tra. Tôi nhớ tại buổi tiếp xúc đầu tiên với Phan Văn Thương, tôi hỏi: "Tại sao em đang làm ở một tờ báo Ngành mà lại xin về một tờ báo của Hội?". Phan Văn Thương trả lời: "Do quê ở Hải Phòng, vợ con, gia đình đang ở Hải Phòng nên muốn xin được làm phóng viên thường trú của báo tại thành phố Hải Phòng". Nhìn tấm bằng tốt nghiệp ở đại học chuyên ngành Báo chí lại công tác ở một tờ báo của ngành Thanh tra nên sau khi hội ý Ban Biên tập, chúng tôi đồng ý để Phan Văn Thương chuyển công tác về báo KD&PL.
Là một phóng viên thường trú tại thành phố Hải Phòng, công bằng mà nói, Phan Văn Thương đã tổ chức được một số cộng tác viên, viết được gần 100 tin bài, trong đó phần lớn là các bài tích cực tuyên truyền về tình hình kinh tế - xã hội ở thành phố Hải Phòng. Đặc biệt là trong dịp bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, theo chỉ đạo của Ban biên tập, Phan Văn Thương cùng nhóm phóng viên, cộng tác viên đã có hàng chục bài viết phản ánh không khí về ngày hội non sông ở nhiều địa danh trên địa bàn thành phố. Thành quả lao động đó ít nhiều đã được độc giả ghi nhận.
Do vậy, theo đề xuất của Phan Văn Thương, cuối tháng 9/2016, Ban Biên tập báo KD&PL đã báo cáo cơ quan chủ quản, đồng ý mở Văn phòng đại diện của báo tại Hải Phòng.
Vậy mà có ai ngờ, ma lực của đồng tiền đã đưa Phan Văn Thương, phóng viên hợp đồng Phạm Văn Tân và công tác viên Phan Thành Long sa chân vào con đường tội lỗi. Dẫu sao thì sự việc đã xảy ra, dẫu Phan Văn Thương có bừng tỉnh thì đã muộn. Nhưng dẫu có muộn còn hơn không. Trong tâm trạng vừa đau, vừa buồn chúng tôi chỉ biết gửi lời cáo lỗi và mong độc giả hiểu và chia sẻ để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, để những người làm báo KD&PL coi đây là bài học để khắc phục các khiếm khuyết của mình, tiếp tục đưa tờ báo phát triển ổn định và lành mạnh trong làng báo cách mạng nước ta.
Theo Nhà Báo Lưu Vinh (Đại Đoàn Kết)
(Tổng Biên tập báo Kinh doanh & Pháp luật)