Như tin đã đưa, ngày 10-7, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty Viễn thông MobiFone - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các đơn vị liên quan.
Cùng với đó, CQĐT cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Nam Trà (nguyên chủ tịch HĐTV MobiFone, hiện là cán bộ Văn phòng Bộ TT&TT) và ông Phạm Đình Trọng (vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT&TT) cùng về tội vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo quyết định khởi tố của CQĐT, hai bị can nói trên có thể đối diện với mức phạt tù từ 10 đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một đến năm năm, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Đáng chú ý, tội danh mà ông Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng bị khởi tố là khá “mới” trong các vụ án lớn về kinh tế được điều tra trong thời gian qua.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2018, Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi năm 2009) hết hiệu lực, đồng thời Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi năm 2017) sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, tội danh “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” sẽ không còn mà được cụ thể hóa, thay thế bằng các điều luật mới nằm trong Mục 3, Chương 18, từ Điều 217 đến Điều 234 của Bộ luật Hình sự2015.
Trong chương này bao gồm chín tội danh: Vi phạm các quy định về cạnh tranh (Điều 217); vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220); vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224), vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 230).
Bên cạnh đó, Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội quy định: Đối với hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-1-2018, mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý.
Trường hợp vụ án đã được xét xử và đã có bản án, quyết định của tòa án thì không được căn cứ vào Bộ luật Hình sự năm 2015 để kháng cáo, kháng nghị theo hướng không phạm tội.
Trường hợp này, ông Lê Nam Trà và ông Phạm Đình Trọng đã bị cơ quan CSĐT khởi tố về tội “vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng" thay vì “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vấn đề về tội danh như đã nói ở trên cũng từng được luật sư bào chữa cho ông Đinh La Thăng (cựu chủ tịch HĐTV PVN) đưa ra tại các phiên xét xử đối với bị can này. Theo các luật sư, việc ông Thăng bị đưa ra truy tố, xét xử về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không phù hợp, thay vào đó phải là một trong nhóm các tội về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế được quy định cụ thể trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp nhận.
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TPHCM)