Sáng 22/11, sau hơn 20 ngày tạm dừng, TAND TP.HCM tiếp tục đưa vụ Vinasun kiện Grab, đòi bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng ra xét xử.
Trước đó, vào chiều 29/10, nhận thấy cần phải xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan kết luận giám định mới có cơ sở phân định chính xác nên HĐXX quyết định ngừng phiên tòa.
Cũng tại phiên tòa chiều 29/10, chủ tọa hỏi đại diện Vinasun về con số thiệt hại mà nguyên đơn khởi kiện. Vinasun cho rằng từ 2016 đến 6 tháng đầu năm 2017, có 2.777 xe của Vinasun phải nằm bãi, điều này do Grab gây nên.
HĐXX đặt nhiều câu hỏi chất vất về tính xác thực của số tiền thiệt hại vì cho rằng tại thời điểm đó không chỉ riêng Grab hoạt động mà còn có nhiều hãng xe khác. “Thiệt hại có thể có nhưng để chứng minh rất khó, có sự chủ quan của doanh nghiệp, khách quan của thị trường”, chủ tọa nhận định.
HĐXX cũng cho rằng theo quy định của luật thì cần phải chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun.
Đại diện Vinasun vẫn khẳng định không phải là đánh giá chủ quan mà do sự phát triển nhanh chóng của Grab, sự chiếm lĩnh thị trường của Grab khiến cho khách hàng không còn tin Vinasun nữa.
Đại diện phía Grab vẫn giữ nguyên đề nghị yêu cầu giám định lại thiệt hại vì cho rằng kết quả giám định của Công ty Cửu Long không chính xác.
Vào chiều 23/10, VKS nhận định dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại tòa, đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường một lần hơn 41,2 tỷ đồng cho thiệt hại phát sinh do các hành vi của Grab gây ra.
VKS cho rằng việc Grab đề nghị đưa Bộ GTVT vào để làm sáng tỏ vụ án nhưng do đề án 24 không phải là đối tượng khởi kiện nên không cần thiết triệu tập đại diện Bộ GTVT tham gia tố tụng. Về nội dung, giấy đăng ký kinh doanh của Grab thể hiện lĩnh vực đăng ký kinh doanh vận tải mặc dù theo đề án 24, Grab chỉ cung cấp nền tảng kết nối. Grab bị cáo buộc đã lợi dụng quyết định 24 để điều hành dịch vụ vận tải taxi: Thu tiền cước, quản lý tài xế, quyết định mức chiết khấu, thưởng phạt với tài xế,…
Grab thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, trong đó có cả cuốc xe 0 đồng. Theo báo cáo năm 2017 của Bộ Tài chính, từ năm 2014-2017, Grab kinh doanh lỗ hơn 1.700 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ. Từ đây, VKS cho rằng có đủ cơ sở xác định Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, kinh doanh không đúng đề án 24, vi phạm luật Doanh nghiệp 2014 về kê khai không trung thực.
So sánh lợi nhuận các năm trước của Vinasun bị giảm sút, nguyên đơn chứng minh hành vi của Grab, mối quan hệ nhân quả từ hành vi của Grab dẫn đến thiệt hại của Vinasun. Theo kết quả khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường Quốc Việt, có đến 74% khách hàng của Vinasun đã chuyển qua sử dụng xe của Grab do giá cước rẻ và được hưởng các chương trình khuyến mại.
Do đó, VKS đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu bồi thường của Vinasun, buộc Grab bồi thường hơn 41,2 tỷ đồng.
Ông Jerry Lim (CEO của Grab tại Việt Nam) bày tỏ sự thất vọng trước đề nghị của VKS. Ông cho rằng VKS không có quyền xác định bản chất kinh doanh của một doanh nghiệp.
Theo Hoài Thanh (Tri Thức Trực Tuyến)