Bị can Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 BLHS 2015.
Về số lần gia hạn tạm giam và thời hạn tạm giam, theo luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội, việc tòa án cấp sơ thẩm ra hạn tạm giam với các bị can trong vụ án này 60 ngày là có căn cứ.
Tạm giam là biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với bị can, bị cáo trong các giai đoạn khác nhau của tố tụng hình sự nhằm ngăn bị can bỏ trốn, tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội hoặc gây cản trở, khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án.
Dù tạm giam diễn ra phổ biến ở giai đoạn điều tra, song ở giai đoạn truy tố và xét xử, thậm chí sau khi xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng (CQĐT, Viện Kiểm sát và Tòa án) vẫn có thể áp dụng biện pháp tạm giam.
Cũng theo Luật sư Thu, thời hạn tạm giam bị can để điều tra không quá 2 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 3 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 4 tháng đối với tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, xét cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ để thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp tạm giam thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn tạm giam, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Về việc gia hạn tạm giam, với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 1 lần không quá 1 tháng; Với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 1 lần không quá 2 tháng; Tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 1 lần không quá 3 tháng; Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam 2 lần, mỗi lần không quá 4 tháng.
Trong vụ án liên quan bà Nguyễn Phương Hằng và đồng phạm, các bị can bị truy tố về Tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân theo khoản 2, Điều 331 BLHS 2015 sửa đổi với khung hình phạt từ 2-7 năm tù.
Do đây là tội phạm nghiêm trọng nên thời hạn tạm giam để điều tra sẽ không quá 5 tháng không tính thời hạn điều tra bổ sung khi viện kiểm sát hoặc tòa án trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Khi hồ sơ vụ việc chuyển sang Viện Kiểm sát thì Bộ Luật TTHS cũng nêu rõ thẩm quyền tạm giam để truy tố theo thời hạn truy tố mà Bộ luật này đã quy định cho viện kiểm sát.
Khoản 3 Điều 173 Bộ luật TTHS 2015 quy định, Viện KSND huyện có quyền gia hạn tạm giam đối với tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng và rất nghiêm trọng. Trường hợp vụ án do Cơ quan điều tra cấp tỉnh thụ lý điều tra thì Viện KSND cấp tỉnh có quyền gia hạn tạm giam với tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng…
Còn theo khoản 2, điều 278 Bộ luật TTHS, thời hạn tạm giam để chuẩn bị xét xử không được quá thời hạn chuẩn bị xét xử. Thời hạn chuẩn bị xét xử là 45 ngày đối với tội phạm nghiêm trọng...Với vụ án phức tạp, chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thêm thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 15 ngày.
‘Bị cáo đang bị tạm giam mà đến ngày mở phiên tòa thời hạn tạm giam đã hết, nếu xét thấy cần tiếp tục tạm giam để hoàn thành việc xét xử thì HĐXX ra lệnh tạm giam cho đến khi kết thúc phiên tòa’ - Luật sư Thu nhấn mạnh.
Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)