Trong khi nhận định chứng cứ vụ án còn mâu thuẫn, lời khai chấn động của nhân chứng chưa được làm rõ thì ngày 23-7, TAND tỉnh Bắc Giang vẫn kết án Lý Nguyễn Chung 12 năm tù.
|
Bị cáo Lý Nguyễn Chung khăng khăng nhận mình là người giết bà Hoan - Ảnh: Tâm Lụa
|
Vụ giết người tại thôn Me năm 2003 (xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) đã được TAND tỉnh Bắc Giang ra phán quyết bằng bản án 12 năm tù cho Lý Nguyễn Chung (28 tuổi, cùng ngụ tại thôn Me).
Vụ án gây chú ý đặc biệt với dư luận bởi đây chính là vụ án mà ông Nguyễn Thanh Chấn bị tuyên tù chung thân oan. Ông Chấn đã thi hành án được 10 năm rồi mới được minh oan, được Tòa phúc thẩm TAND Tối cao (nay là Tòa án nhân dân cấp cao) tại Hà Nội quyết định bồi thường 7,2 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hai ngày vừa qua tại TAND tỉnh Bắc Giang, vụ án xuất hiện nhiều tình tiết mới khi nhân chứng Nguyễn Thị Thu Hà đã đưa ra nhiều lý lẽ và cho rằng Lý Nguyễn Chung không phải là thủ phạm mà ông Chấn mới là người giết nạn nhân Nguyễn Thị Hoan.
Bà Hà còn khai có người nhận "chạy án" cho ông Chấn để được ăn chia 30% tiền bồi thường, mối quan hệ tình cảm bí mật giữa ông Chấn và nạn nhân, chuyện 2 chiếc nhẫn và sợi dây chuyền của bà Hoan mà Chung khai cướp được thực ra bà Hoan đã "cắm" cho bà Hà trước đó...
|
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ảnh: Tâm Lụa |
Vì sao Lý Nguyễn Chung khăng khăng nhận tội?
Điều lạ là tại tòa, cả bị cáo Lý Nguyễn Chung lẫn gia đình đều cương quyết nói Chung là thủ phạm giết người, dù luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại và người làm chứng đều đưa ra những quan điểm có lợi cho bị cáo.
Trước những phát biểu của nhân chứng Hà, ông Lý Văn Chúc (cha của Chung) cùng vợ, con gái và con dâu đều khẳng định đã được nghe Chung kể lại chuyện giết chị Hoan để cướp hai chiếc nhẫn vàng. Ông Chúc đề nghị tòa xử sớm chứ “đừng nghe lời ai cả”.
Trong khi Chung khai không nhớ rõ có đưa hai chiếc nhẫn vàng cho chị Hoàng Thị Sướng (chị dâu của Chung) xem hay không thì chị Sướng quả quyết với tòa: “Tôi được Chung đưa cho xem hai chiếc nhẫn vàng mà Chung cướp được”.
Bào chữa cho bị cáo Chung, luật sư Hoàng Minh Hiển lại đưa ra các căn cứ để cho rằng... bị cáo là người thực hiện hành vi phạm tội chứ không có đồng phạm. Luật sư Hiển đồng tình với các quan điểm của Viện kiểm sát, phản bác lý lẽ của người làm chứng Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra (bà Hà cho rằng Chung bị oan).
Khi bà Hà và phía gia đình bị hại cho rằng năm 14 tuổi, Chung chỉ cao 1,1m thì không thể giết được chị Hoan to béo, luật sư Hiển đã dẫn các báo cáo Liên Hiệp Quốc và Ủy ban bảo vệ trẻ em để phản bác: “Chiều cao trung bình của trẻ 14 tuổi là từ 1,48m đến 1,52m chứ không có cơ sở nào nói chỉ cao 1,1m, như vậy thì khác với bình thường quá...”.
Khi luật sư phía bị hại Nguyễn Thị Hoan đề nghị tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, luật sư Hiển cho rằng không cần thiết vì mọi hành vi đều đã được làm rõ.
Trao đổi với PV về lý khẳng định con mình giết người, ông Lý Văn Chúc cho rằng: “Tôi muốn tòa xử nhanh để Chung được đi lao động cho khỏe khoắn, hơn 2 năm trời bị nhốt trong trại tạm giam, không thấy trời không thấy đất, da nó xanh xao vàng vọt, khổ lắm”.
Theo ông Chúc, ông khẳng định 100% Chung là người giết chị Hoan chứ không có ai khác vì ‘tôi không nhìn thấy nhưng tôi đã hỏi cặn kẽ. Nói chúng tôi nhận tiền của nhà ông Chấn để đi tù là không đúng, gia đình tôi còn không biết mặt ông Chấn như thế nào”.
Thừa nhận cả gia đình ra trước tòa làm chứng việc được nghe Chung kể về việc giết người nhưng bà Nguyễn Thị Lành (mẹ kế của bị cáo Chung) cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ nghe nó kể chứ không biết thế nào. Nó có giết người không, có đồng phạm hay không thì chỉ mình nó biết”.
Trao đổi về quan điểm bào chữa của mình, luật sư Hoàng Minh Hiển lý giải: “Với tư cách là luật sư, tôi mong muốn làm tất cả những gì tốt nhất cho Chung. Tuy nhiên quá trình điều tra bổ sung đã làm rõ, bản thân Chung cũng nhận hành vi này. Tâm lý của Chung khi bị bắt, ở trại giam quá lâu, quá mệt mỏi, giờ Chung không ăn không ngủ được nên chỉ mong phiên tòa xử sớm để được đi thi hành án”.
Theo luật sư Hiển: "Làm nghề phải đánh giá chứng cứ khách quan chứ không cảm tính, dựa trên ý chí chủ quan. Cái gì làm được cho bị cáo tôi sẽ làm nhưng phải có căn cứ. Trong trường hợp này, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung là mất thời gian, kéo dài vụ án mà lại làm cho bị cáo và gia đình mệt mỏi thêm".
Chưa thể buộc tội khi chứng cứ còn mâu thuẫn
Khi tuyên bản án với Lý Nguyễn Chung, TAND tỉnh Bắc Giang đã bác đề nghị của luật sư về việc điều tra bổ sung vụ án, cho rằng lời khai của bà Hà là không có căn cứ.
Theo tòa, quá trình điều tra bổ sung bà Hà đã có đơn kiến nghị gửi các cơ quan tố tụng. Bà Hà khai mâu thuẫn về thời gian chị Hoan đến cửa hàng, mâu thuẫn với người làm chứng và người liên quan, với bị cáo trong vụ án về tình tiết hai chiếc nhẫn...
Dù cũng nhận định rằng vụ án có một số tình tiết chưa làm rõ như: đôi dép bị cáo đi khi gây án không thu giữ được, bộ quần áo bị cáo mặc khi gây án đã mất không lý do, vết màu nâu như màu máu để lại cánh cửa hộc nhà chị Hoan, vết vân tay trên vỏ chai bia, anh trai Chung mua con dao để cha Chung đem nộp... nhưng hội đồng xét xử lại khẳng định "đủ căn cứ buộc tội Lý Nguyễn Chung".
Hội đồng xét xử chỉ kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục xác minh mở rộng vụ án, điều tra đơn kiến nghị của bà Hà để tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm trong vụ án này.
Nói về vụ án này, luật sư Giáp Văn Điệp (bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại) cho rằng quá nhiều vấn đề còn băn khoăn mà nếu các vấn đề này được làm sáng tỏ thì bản chất của vụ án có thể sẽ thay đổi.
Theo luật sư Điệp, thông thường theo tâm lý học nói chung thì bị cáo luôn tìm cách thoái thác tội. Vụ án này bị cáo Chung lại mong nhận tội cho xong, đề nghị xử cho nhanh, cả gia đình bị cáo cũng làm nhân chứng nói bị cáo có tội. Đó là điều bất bình thường.
Vụ án còn nhiều vấn đề chưa làm rõ, có mâu thuẫn trong chứng cứ buộc tội bị cáo nên theo quy định của pháp luật, không thể dùng lời khai nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất mà phải chứng minh bằng nhiều nguồn chứng cứ khác, ráp nối lại với nhau thì mới đủ căn cứ buộc tội bị cáo.
|
Cha và mẹ kế của Lý Nguyễn Chung khai con mình là người giết bà Hoan - Ảnh: Việt Đức |
Cần hoàn trả hồ sơ để điều tra lại vụ án Theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, khi có tình tiết mới xuất hiện, nếu hội đồng xét xử xét thấy không thể làm rõ ngay tại phiên tòa thì cần phải hoãn tòa để hoàn trả hồ sơ cho Viện kiểm sát, cơ quan điều tra để để điều tra bổ sung. Nếu các chứng cứ còn mâu thuẫn, có tình tiết chưa được làm rõ thì hội đồng xét xử không thể ra phán quyết kết tội bị cáo dựa trên các chứng cứ này được. Vụ án Lý Nguyễn Chung với vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn có liên quan với nhau. Lời khai của người làm chứng Nguyễn Thị Thu Hà trước phiên tòa lần này có nhiều tình tiết mới, rất cần phải được cơ quan tố tụng điều tra làm rõ. Không thể nói lời khai của bà Hà chỉ liên quan vụ ông Chấn oan hay không oan mà có liên quan trực tiếp đến vụ án của Lý Nguyễn Chung, cần phải được làm rõ như: có thực bà Hà giữ tài sản của bà Hoan trước khi bị giết hay không? Có hay không việc dàn xếp nhận tội?... Nếu cho rằng lời khai của bà Hà là không có căn cứ thì cơ quan tố tụng cũng cần làm rõ động cơ và và xem xét trách nhiệm của bà Hà trong trường hợp là người làm chứng cố tình khai gian dối, sai sự thật. Theo quy định của Bộ luật hình sự, người làm chứng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật có thể bị xử lý hình sự theo điều 307 Bộ luật hình sự. Có hành vi vu khống người khác thì cũng có thể bị xử về tội vu khống. Thẩm phán VƯƠNG VĂN NGHĨA Tòa Hình sự TAND TP.HCM |
>> Tuyên án Lý Nguyễn Chung 12 năm tù, kiến nghị điều tra mở rộng vụ án
>> Vụ án Lý Nguyễn Chung có sự dàn xếp?
>> Vụ ông Chấn: VKS nói lời khai của bà Hà là "suy diễn, không có cơ sở"
>> Luật sư nghi ngờ Lý Nguyễn Chung không phải hung thủ
>> Vợ ông Chấn lặng lẽ xuất hiện ngoài phòng xử án
>> Đề nghị mức án 12 năm tù giam đối với Lý Nguyễn Chung
Theo Tâm Lụa (Tuổi Trẻ)