Tình huống pháp lý vụ cô gái 27 tuổi bị tông tử vong ở Hà Nội

05/11/2024 09:29:01

Do liên quan đến nhiều người, nhóm tuổi thanh thiếu niên nên cơ quan công an cần làm rõ nhiều vấn đề.

Ngày 5-11, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho biết đang tạm giữ 10 người trong đoàn "quái xế" liên quan vụ tông chết cô gái đứng chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu.

Tình huống pháp lý vụ cô gái 27 tuổi bị tông tử vong ở Hà Nội
Hiện trường tai nạn.

Theo điều tra, khoảng 0 giờ 15 ngày 3-11, cô gái 27 tuổi đang điều khiển xe máy dừng trước vạch để chờ đèn đỏ ở ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu, hướng từ ga Hà Nội đi Bệnh viện 108. Cùng lúc, một đoàn 20-30 xe máy đi ngược chiều trên phố Trần Hưng Đạo lao tới với tốc độ nhanh.

Hai xe trong đoàn đã đâm vào cô gái khiến nạn nhân ngã văng ra đường, tử vong tại chỗ. Sau khi gây tai nạn, cả nhóm rời hiện trường.

Sự việc trên đã gây thương xót và làn sóng phẫn nộ từ cộng đồng mạng, yêu cầu cơ quan công an xử lý nghiêm nhóm "quái xế".

Thương tâm và đáng lên án

Trao đổi với Báo Người Lao Động, luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, nhìn nhận hành vi của nhóm "quái xế" là đáng lên án bởi dẫn đến cái chết thương tâm cho cô gái 27 tuổi và cộng đồng mạng đã làm tốt điều đó.

Qua camera ghi lại vụ việc, nhóm "quái xế" có dấu hiệu đua xe trái phép (lạng lách, đánh võng...), gây rối trật tự công cộng và xâm phạm tới sức khỏe, tính mạng khiến cô gái 27 tuổi tử vong.

Khoản 2, điều 265 Bộ Luật Hình sự quy định sẽ khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can trường hợp cơ quan công an xác định được nhóm thanh niên đã có hành vi tổ chức đua xe trái phép, lôi kéo, tổ chức cho những người khác đua xe trên đường phố dẫn đến hậu quả tai nạn giao thông chết người. Theo đó, phạt tiền, cải tạo không gian giữ hoặc phạt tù từ 1 đến 20 năm tù, thậm chí chung thân nếu làm chết 3 người trở lên hoặc gây hậu quả thương tích nghiêm trọng cho nhiều người.

Tình huống gây ra cái chết cho cô gái 27 tuổi được thực hiện ở khu vực đông dân cư, có đoàn 20-30 xe máy nên hình phạt tù là 4 đến 10 năm theo điều 265 Bộ Luật Hình sự. Ngoài ra, các thành viên cùng tham gia dù không gây cái chết trực tiếp cho cô gái cũng bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 266 Bộ Luật hình sự, hình phạt có thể đến 10 năm tù.

Ngồi sau xe cũng bị xử lý

Cũng theo luật sư Trần Thị Thanh Thảo, luật quy định người thực hiện hành vi đua xe trái phép là chủ thể từ 16 tuổi trở lên có khả năng nhận thức điều khiển hành vi của mình. Hậu quả ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội là căn cứ để xử lý hình sự, hậu quả dẫn đến chết người là tình tiết định khung tăng nặng hình phạt.

Đáng nói, nhóm "quái xế" trên họ còn rất trẻ, là thanh thiếu niên nên cần xác định độ tuổi để làm rõ. Luật quy định người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự với một số tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại điều 12 Bộ Luật Hình sự. 

Riêng người không trực tiếp lái xe nhưng ngồi trên xe có hành vi hò hét, cùng ý chí thực hiện hành vi đua xe trái phép cũng sẽ bị xử lý hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức.

Trường hợp nếu ai chưa đủ 18 tuổi thì sẽ được áp dụng chính sách khoan hồng của nhà nước về người dưới 18 tuổi phạm tội. Theo đó hình phạt đối với nhóm đối tượng từ 14 tuổi đến chưa đủ 16 tuổi trở lên là không quá 1/2 khung hình phạt pháp luật quy định. Đối với đối tượng từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, hình phạt sẽ không quá 3/4 khung hình phạt mà điều luật quy định.

Tình huống pháp lý vụ cô gái 27 tuổi bị tông tử vong ở Hà Nội - 1
Nhóm "quái xế" tại cơ quan công an.

Bên cạnh đó, cơ quan công an cũng sẽ xác định nhóm thanh niên có giấy phép lái xe hay không, xe của ai... Bởi ngoài những người trực tiếp gây tai nạn chết người thì người làm cha mẹ giao xe cho con dù biết con không có bằng lái và đã gây tai nạn chết người có khả năng bị khởi tố do có hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông dẫn đến gây tai nạn làm một người chết.

"Những năm gần đây, số người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có chiều hướng gia tăng, phức tạp nhất là lứa tuổi vị thành niên, học sinh. Đồng thời, tình trạng giao, cho mượn xe mô tô, ô tô... diễn ra phổ biến trong đời sống xã hội với nhiều lý do: vì tình cảm, chỗ quen biết hoặc là người trong gia đình nên giao phương tiện của mình cho bạn bè, người thân mượn để di chuyển dù biết rõ người đó chưa đủ điều kiện để điều khiển phương tiện tham gia giao thông. 

Thực tế đã có rất nhiều trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng: thương tật suốt đời, thậm chí tử vong dù lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý, tuyên truyền phổ biến từ gia đình, trường học vẫn không ngăn được sự coi thường pháp luật khi mà ý thức hệ xem nhẹ tính mạng bản thân cũng như người khác đã trở thành "thói quen" khó bỏ!

Việc giao phương tiện cho người chưa đủ điều kiện điều khiển không chỉ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người được giao xe mà còn vi phạm Luật Giao thông đường bộ và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho cả người giao phương tiện khi gây tai nạn giao thông" - luật sư Trần Thị Thanh Thảo nói.

Theo Anh Vũ (Nld.com.vn)