Nói đến tín dụng đen là dân phẫn nộ các băng nhóm cho vay nặng lãi hung hãn “hút máu” người khác, kế đến là những trách cứ các cơ quan công an từng thờ ơ, chậm trễ xử lý khiến tội phạm hoành hành làm xã hội bất an. Chỉ có người vay là luôn nhận được rất nhiều xót xa, thương cảm…
Sự ghét đó hoàn toàn hợp lý. Bộ luật Dân sự yêu cầu lãi suất cho vay theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay. Bộ luật Hình sự không chấp nhận lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất được Bộ luật Dân sự quy định và có sự thu lợi bất chính.
Ấy vậy mà có nhiều trường hợp cho vay lãi suất 25%-30%/tháng, thậm chí cao hơn nữa. Để ép con nợ phải trả, những kẻ cho vay lãi nặng đã uy hiếp, đe dọa, đánh đập, xâm phạm chỗ ở, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái phép… Tội tày đình như thế thì nhất định không tha thứ.
Về phía các cơ quan công an, không ít nơi nghĩ đó chỉ là các tranh chấp dân sự nên lực lựợng chấp pháp này ít khi đến tận nơi để kịp thời “dằn mặt” kẻ xấu. Đến khi có dấu hiệu sai phạm thì cũng không cố gắng điều tra, xử lý tới nơi tới chốn.
Đã có nhiều giải thích được đưa ra, trong đó có những nguyên nhân khách quan thuộc về chính sách. Chẳng hạn, mức xử phạt hành chính các hành vi vi phạm trong nhiều lĩnh vực còn nhẹ; quy định xử lý hình sự tội cho vay lãi nặng mới được sửa đổi gần đây vẫn chưa thích hợp…
Trở ngại, khó khăn… đúng là có lắm. Thế nhưng tại sao khi Bộ Công an vừa phát lệnh tuyên chiến với tín dụng đen thì nhiều nơi đã sớm có được những con số rà soát, phát hiện các băng nhóm đang nhan nhản ở địa phương, đồng thời khởi tố được nhiều tội tương ứng làm dư luận đỡ lo lắng hơn? Tức việc tuy phức tạp nhưng vấn đề còn là có muốn làm hay không. Hiện tại, khi tình hình đã đến mức báo động trên cả nước, dân kêu là quá phải.
Còn việc thương thì sao? Chắc chắn là phải biết chia sẻ, thương cảm các nạn nhân để có thêm động lực, sức mạnh hạ gục các băng nhóm cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, thương mức nào thì cũng không thể bỏ qua một sự thật không hay, đó là có nhiều người đã tự đưa mình và thân nhân vào dây thòng lọng!
Cụ thể, trong số những người phải đi vay nóng, có người do hoàn cảnh ngặt nghèo, cấp bách (hỏa hoạn, tai nạn, bệnh tật…) nhưng cũng có rất nhiều người bị sa bẫy tín dụng đen là do bài bạc, cá độ, sinh hoạt phóng túng… Khi nợ nần chồng chất, những người “nghiện ngập” này đã để cho cha mẹ, vợ chồng, anh em… gánh thay những hậu quả nghiệt ngã, tàn khốc.
Đã có nhiều đề xuất các ngân hàng nên giải quyết nhanh, gọn nhiều nhu cầu vay tiền chính đáng để người dân không còn là con mồi của tín dụng đen. Riêng đối với những trường hợp hư hỏng nêu trên, tổ chức tín dụng nào đồng ý trợ giúp? Nếu họ không cố gắng thoát ra những cám dỗ để giảm thiểu những cầu-cung bất chính thì công an sao triệt bỏ được hết nạn tín dụng đen.
Trong tội cho vay lãi nặng, do được xác định là nạn nhân nên họ cùng người thân của họ phải được cộng đồng, pháp luật che chở, bảo vệ. Ngược lại, đối với những hành vi sai trái khác của họ mà từ đó đẩy đến nhiều loại tội phạm làm ảnh hưởng xấu đến trật tự xã hội, dư luận và pháp luật cũng cần có thái độ, cách thức xử lý nghiêm khắc hơn để diệt họa lớn.
Sẽ có rất nhiều việc mà các cơ quan chức năng phải khẩn trương làm đồng bộ nhằm hạn chế việc phát sinh tội phạm cho vay nặng lãi cùng các tội phạm có liên quan. Trong đó phải có cả những tính toán để loại trừ các nọc độc từ các loại hình dịch vụ hợp pháp (cầm đồ, kinh doanh tài chính…) đang bị biến tướng dễ gây nhầm lẫn, mất kiểm soát.
Hãy tin là với những phận sự theo chức trách, ngành công an ắt phải có những “đòn hiểm” để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, tài sản… của người dân, nhất là trong các tình huống hiểm nguy.
Và cũng hãy tin là chính người dân sẽ chủ động lật ngược tình thế bằng những tỉnh táo, chọn lọc, cảnh giác, tố giác… để hoạt động tín dụng đen bị ngăn chặn từ gốc.
Theo Thu Tâm (Pháp Luật TP.HCM)