‘Tìm tiền’ cho nữ đại gia, tòa, viện chỏi nhau

11/08/2018 13:12:31

Vụ án hình sự trở nên phức tạp khi cấp phúc thẩm yêu cầu điều tra lại, làm rõ số tiền liên quan đến bị cáo.

Cuối tháng 8, TAND TP.HCM sẽ mở phiên xử sơ thẩm đối với bị cáo Hoàng Thị Lệ Quyên (sinh năm 1977 ở Biên Hòa, Đồng Nai) để giải quyết lại phần dân sự của vụ án.

Tuy nhiên, tréo ngoe là VKS không đồng tình với tòa cùng cấp là phải điều tra lại toàn bộ vụ án mà chỉ làm riêng phần dân sự. Từ đó gây ra tranh cãi pháp lý căng thẳng giữa hai bên.

Tòa phúc thẩm: Hủy án phần dân sự

Trước đó TAND TP.HCM xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Quyên tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau đó người bị hại có kháng cáo về phần dân sự nên được cấp phúc thẩm xem xét lại.

Bản án phúc thẩm không xem xét lại phần tội danh và hình phạt mà chỉ xem xét phần dân sự có kháng cáo.

Phiên xử phúc thẩm ngày 10-8-2016 tại TAND Cấp cao tại TP.HCM, bị cáo Quyên khai số tiền gần 12 tỉ đồng nhận từ người bị hại Đặng Thị Liên đã chi vào nhiều khoản.

Trong đó, bị cáo đã sử dụng gần 6,8 tỉ đồng chiếm đoạt để đặt cọc mua đất và trả cho các cá nhân.

HĐXX phúc thẩm nhận định cấp sơ thẩm cho rằng tất cả giao dịch trên là ngay tình. Tuy nhiên, hồ sơ cho thấy có nhiều khoản chi không phải là giao dịch dân sự như khoản 1,2 tỉ đồng bị cáo trả cho bà Nguyễn Thị Châu.

Số tiền này bà Châu nhận là từ tiền Quyên lừa đảo người bị hại Liên nên cần thu hồi để trả lại cho bà Liên.

Đối với hai khoản tiền 2,1 tỉ đồng để mua hai lô đất tại Đồng Nai, bà Liên cung cấp chứng cứ mới là băng ghi âm chứng minh việc mua bán đất giữa em gái bị cáo và những người này là có sự bàn bạc, nhằm tẩu tán số tiền lừa của bà Liên chứ không phải là giao dịch ngay tình.

Theo HĐXX, đây là chứng cứ mới do nguyên đơn dân sự cung cấp. Để có căn cứ kết luận các giao dịch trên là ngay tình hay có âm mưu của các bên thì cần phải có kết luận của cơ quan chuyên môn.

Do đó cần phải hủy toàn bộ án sơ thẩm để cấp này giải quyết lại phần dân sự.

Tòa sơ thẩm: Điều tra lại toàn bộ

Khi nhận lại hồ sơ, TAND TP.HCM đã trả cho VKS điều tra các vấn đề cấp phúc thẩm nhận định nhưng VKS không đồng ý, cho rằng giải quyết vấn đề dân sự là việc của tòa TP.

Đầu năm 2018, tòa ra quyết định trả hồ sơ lần thứ hai. Trong quyết định trả hồ sơ, tòa TP nhận định yêu cầu của tòa phúc thẩm có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội lừa đảo của bị cáo Quyên và những người liên quan đã gây thiệt hại cho bà Liên.

Vì thế cần phải được điều tra bổ sung làm rõ theo thủ tục tố tụng hình sự các nội dung liên quan đến bản án đó. Ngoài ra, kết quả điều tra bổ sung có thể dẫn đến xử lý trách nhiệm hình sự của người liên quan (nếu có căn cứ) tránh bỏ lọt người, lọt tội.

Theo TAND TP, vụ án phải được điều tra lại theo thủ tục hình sự, không thể tách vụ án để giải quyết đơn thuần như một vụ án tranh chấp về dân sự theo quan điểm của VKS.

Nếu tách ra sẽ làm bất lợi và ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại trong vụ án hình sự.

Cụ thể, nếu giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự đơn thuần thì người bị hại phải chịu chi phí trưng cầu giám định, thời gian giải quyết vụ án kéo dài, những người liên quan có thể không hợp tác…

VKS: Chỉ làm phần dân sự

Tuy nhiên, một lần nữa VKSND TP không chịu mà chuyển trả lại hồ sơ cho tòa. Theo VKS, bản án phúc thẩm không xem xét tội danh của bị cáo, do đó phần này đã có hiệu lực thi hành.

Cấp phúc thẩm chỉ xem xét trách nhiệm dân sự và mức bồi thường bị cáo Quyên phải thực hiện với bà Liên.

Ngoài ra, bản án phúc thẩm cũng nêu: “Trong quá trình giải quyết vụ án này áp dụng luật tố tụng dân sự để giải quyết”…

Căn cứ theo quy định tại Chương 7 BLTTDS 2015 (về chứng minh và chứng cứ) thì những vấn đề mà TAND TP đặt ra tại quyết định trả hồ sơ để bổ sung lần này thuộc thẩm quyền điều tra trong tố tụng dân sự của tòa án.

Cụ thể, khoản tiền 1,2 tỉ đồng án sơ thẩm yêu cầu thu hồi từ bà Châu trả lại cho người bị hại Liên, khoản nợ giữa bà Châu và bị cáo Quyên sẽ giải quyết bằng vụ án dân sự khi bà Châu có yêu cầu.

Như vậy, khoản tiền này đã được cấp phúc thẩm định hướng giải quyết, không phải thuộc trường hợp điều tra lại theo thủ tục tố tụng hình sự.

Còn đối với khoản tiền chuyển nhượng hai lô đất mà bà Liên có cung cấp chứng cứ mới băng ghi âm cần được giám định bởi cơ quan chuyên môn…

Vấn đề này tòa sơ thẩm có thẩm quyền trưng cầu giám định, yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 BLTTDS.

Cũng theo VKSND TP, hình phạt đối với bị cáo Quyên đã có hiệu lực pháp luật. Bản án phúc thẩm chỉ yêu cầu xem xét trách nhiệm dân sự giữa bị cáo Quyên, những người liên quan và bà Liên và áp dụng luật tố tụng dân sự để giải quyết.

Do đó việc tòa trả hồ sơ cho VKS yêu cầu điều tra lại theo thủ tục tố tụng hình sự là không có căn cứ. Từ đó VKS trả lại hồ sơ cho tòa tiếp tục giải quyết theo thẩm quyền.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin diễn biến mới của vụ án.

Nội dung vụ án

Theo hồ sơ, bị cáo Quyên nguyên là giám đốc Công ty TNHH TM-XNK Trang Việt, trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Thông qua bà Nguyễn Thị Châu (nhân viên công ty bảo hiểm), Quyên quen biết với bà Liên (nguyên giám đốc Công ty TNHH XD-DV-TM Phú Mỹ).

Để lừa tiền bà Liên, Quyên giới thiệu là người kinh doanh nông sản, rủ hùn vốn làm ăn. Lúc đầu Quyên thanh toán nợ, lãi sòng phẳng. Sau đó Quyên nói dối cần vốn để nhập lúa mì từ Argentina trị giá 200 tỉ đồng rồi rủ bà Liên hùn hạp.

Theo đó, bị cáo nói đang hùn 80 tỉ đồng với con gái ông D., ông N. để nhập khẩu lúa mì.

Tuy nhiên, Quyên chỉ có 50 tỉ đồng, 30 tỉ đồng là của ông D., do ông này đột tử nên Quyên đề nghị bà Liên góp vốn thay ông D. Trong khoảng một tháng bà Liên đã chuyển gần 12 tỉ đồng cho bị cáo Quyên.

Quá trình điều tra phát hiện “phi vụ” nhập lúa mì từ Argentina là giả và các tập đoàn trên không hề hùn hạp làm ăn gì với Quyên. Ngoài ra, Quyên còn vay mượn nhiều nạn nhân khác rồi xù nợ nhiều tỉ đồng.

Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng những giao dịch này là giao dịch dân sự nên bị cáo không chịu trách nhiệm hình sự và không nhập vào xử chung với vụ án này.

Theo Hoàng Yến (Pháp Luật TP HCM)

Nổi bật