Ngày 3/1, Thượng tá Ngô Văn Đáp, Đội trưởng Đội 10, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Hà Nội cho biết: vừa triệt phá được nhóm tội phạm làm giả thẻ tiết kiệm để rút tiền của khách gửi tại ngân hàng tới 13 tỷ đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội. Đặc biệt, trong vụ án này, 2 đối tượng bên ngoài đã móc nối với Trưởng phòng Giao dịch của một ngân hàng tại Hà Nội để lừa đảo chiếm đoạt số tiền lớn.
Đại diện phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hà Nội cho biết: “Đến thời điểm này, cơ quan điều tra đã bắt giữ các đối tượng trong vụ án gồm Đỗ Đăng Trung (33 tuổi), Nguyễn Bá Anh (34 tuổi, cùng trú tại xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng) và Chu Thị Thu Hường (38 tuổi, trú tại phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Trong đó, Chu Thị Thu Hường vốn là Trưởng phòng Giao dịch của một ngân hàng trên địa bàn Hà Nội”.
Theo cơ quan công an, trong vụ án này, các đối tượng có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Trong đó, Trung có khả năng về việc làm giả sổ tiết kiệm và các giấy tờ khác. Còn Hường với vai trò là Trưởng phòng Giao dịch của ngân hàng nên có khả năng tiếp cận thông tin để cung cấp cho Trung nhằm làm giả giấy tờ và sổ tiết kiệm của khách hàng. Riêng Bá Anh thì giúp việc cho Trung, thực hiện các hành vi do Trung chỉ đạo. Hai đối tượng này có mối quan hệ họ hàng với nhau.
Theo đó, Trung đi mua máy tính, máy in màu, máy scan… về ngôi nhà hắn thuê trọ. Tại đây, Trung tỉ mỉ ngày đêm nghiên cứu các mẫu in sổ tiết kiệm của ngân hàng, cách làm giả sổ tiết kiệm nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hường đã sử dụng tài khoản của mình để đăng nhập vào hệ thống ngân hàng nhằm kiểm tra và phát hiện khách hàng là anh L. có khoản tiền gửi lớn. Sau khi có thông tin trên, Hường trao đổi với Trung nhằm chiếm đoạt số tiền của anh L. đang gửi tại hệ thống ngân hàng này.
Để “chắc ăn”, Trung rất tinh quái khi hắn cũng đem một khoản tiền của mình đến hệ thống ngân hàng trên để gửi tiết kiệm. Khi có được sổ tiết kiệm, hắn đem về nhà trọ nghiên cứu kỹ mẫu sổ để làm giả một cách hết sức tinh vi.
Trung khai, đã làm đi làm lại sổ nhiều lần cho thật giống. Trung lấy sổ tiết kiệm mà hắn làm giả để so sánh với sổ tiết kiệm thật của ngân hàng xem có sự “thiếu sót” gì hay không, để chỉnh cho đến khi nào hắn cảm thấy “không thể phân biệt được thật - giả bằng mắt thường” thì hắn mới yên tâm thực hiện bước tiếp theo của kịch bản.
Sau đó, Trung cũng thực hiện “đúng quy trình” bằng cách đóng giả anh L. gọi điện đến chi nhánh ngân hàng thông báo trước một hôm rằng ngày hôm sau sẽ đến ngân hàng rút số tiền 13 tỷ đồng (tổng 2 sổ tiết kiệm của anh L.).
Đúng hẹn, ngày hôm sau (20/12), Trung mang 2 sổ tiết kiệm mà hắn đã làm giả đến ngân hàng rút 13 tỷ đồng mà không hề gặp phải trở ngại nào, rồi nhanh chóng rời khỏi chi nhánh ngân hàng.
Trong khi đó, anh L. là chủ nhân của 2 sổ tiết kiệm nhận được tin nhắn SMS Banking cho biết vừa rút số tiền 13 tỷ đồng. Quá bất ngờ trước thông tin trên, anh L. vội về nhà kiểm tra thì phát hiện 2 sổ tiết kiệm vẫn ở vị trí cũ. Ngay khi phát hiện sự việc, anh L. đã thông báo với ngân hàng nhưng mọi việc đã quá muộn. Phía nhân viên ngân hàng cho biết giao dịch đã thực hiện thành công…Ngay lập tức, anh L. đã làm đơn trình báo gửi Công an Hà Nội đề nghị vào cuộc điều tra làm rõ.
Thượng tá Ngô Văn Đáp cho biết, thông tin liên quan đến người gửi tiền (nội dung thẻ tiết kiệm, chứng minh thư của người gửi tiền) được cán bộ ngân hàng cung cấp cho các đối tượng. Từ đó, các đối tượng sử dụng máy tính, máy scan, máy photocopy, máy ép plastic để làm giả giấy tờ nhằm thực hiện hàng vi rút tiền của người gửi ra khỏi ngân hàng một cách trót lọt.
Theo đánh giá của Thượng tá Đáp, các đối tượng rất tinh vi ở chỗ, nhằm qua mắt ngân hàng, các đối tượng đã mở 1 thẻ thật tại chính ngân hàng đó để có căn cứ so sánh với thẻ giả. Khi thẻ thật và thẻ giả tương đối giống nhau, chúng đã đến ngân hàng để thực hiện hành vi rút tiền của khách gửi.
Hiện nay, tại một số ngân hàng trên địa bàn Hà Nội vẫn có tồn tại một số vấn đề đối với cán bộ giao dịch, kiểm soát năng lực còn yếu kém, đây là vấn đề mấu chốt để quản lý tài sản của người gửi. Như tại vụ án này, nhân viên của văn phòng giao dịch thể hiện nhiều yếu kém, khách hàng rút tiền tại hệ thống, nhưng không phải rút ở chỗ gửi tiền mà rút ở một chi nhánh khác nhưng việc kiểm tra chéo từ chỗ nhận đến chỗ gửi không có, hoặc thông tin của khách hàng cũng ko được trao đổi để nhân viên khác nắm được và đặt vào giao dịch bất ngờ hay bất thường.
Theo Vũ Hà (Saostar.vn)