Trong vài ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ án một nữ sinh năm cuối trường Sân khấu Điện ảnh bị sát hại trong lúc tìm thuê nhà ở đường Nguyễn Phúc Lai, phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
Sau khi vụ việc được phát hiện, như một thói thường, mọi chi tiết liên quan đều được xới tung, đưa lên các trang báo, các trang mạng xã hội, để phần nào đáp ứng nhu cầu hiếu kỳ của dư luận xã hội. Và tất nhiên, mỗi lần có “tình tiết mới”, cư dân mạng lại đổ xô tìm đọc, chia sẻ. Cả ngoài đời người ta còn tiếp tục bàn tán.
Sự việc đau lòng nào cũng để lại những tiếc nuối. Tất nhiên, khó có thể nói hết những đau đớn, mất mát từ phía người thân của nữ sinh viên trẻ tuổi. Nhưng bên cạnh đó, với mỗi người liệu có chút liên quan?
Theo những thông tin được các trang báo khai thác, tối ngày 3/6, nữ sinh viên đến hỏi thuê nhà. Và những nhân chứng sống cùng tòa nhà kể lại, họ có nghe thấy tiếng la hét, tiếng động mạnh phát ra từ căn phòng. Nhưng rồi tất cả chỉ có thế. Hơn một người đã nghe thấy và không có bất cứ một can thiệp nào...
Tội ác man rợ đã diễn ra trong một khu nhà đông đúc, giữa một con phố cũng thuộc lại đông đúc nhất nhì của Hà Nội. Đã có một khoảng lặng trong mỗi người, khi chúng ta rõ ràng nghe thấy tiếng thét và có thể cũng là tiếng kêu cứu của đồng loại, nhưng chúng ta bỏ qua.
Từ xa xưa, người Việt luôn tự hào là một dân tộc sống tình nghĩa, với truyền thống đùm bọc nhau lúc khó khăn hoạn nạn của những người gọi nhau là đồng bào. Truyền thống tắt lửa tối đèn có nhau, đi qua 4000 năm lịch sử, đến một thời đại 4.0 giường như có phần phai nhạt để nhường chỗ cho một cách cư xử hoàn toàn khác.
Nói như thế cũng không phải để trách cứ những người nghe thấy tiếng thét và tiếng động lạ tối hôm 3/6 ở khu nhà trọ đường Nguyễn Phúc Lai, dưới một góc độ nào đó, họ cũng là nạn nhân của một lối sống để những đồng loại thật khó để can thiệp để trợ giúp nhau.
Trên mạng xã hội cũng đã có quá nhiều những câu chuyện mà ở đó, những người dũng cảm và tốt bụng muốn giúp đỡ đồng loại của mình, nhưng chính họ lại phải nhận những hậu quả cay đắng.
Đó là chuyện người thanh niên ở Thuận Thành (Bắc Ninh) hơn một năm trước, đưa nạn nhân tai nạn giao thông đi cấp cứu để rồi suýt mất mạng khi phải nhận lấy từ thân nhân của họ... một nhát dao. Anh bị “nhầm lẫn” là người gây tai nạn giao thông. Có lẽ người ta nhầm lẫn vì ngày nay chẳng mấy ai lại... tốt bụng nhiệt tình như anh.
Gần đây nhất là vụ việc nhóm hiệp sỹ ở TP Hồ Chí Minh, trong khi truy bắt những kẻ trộm xe máy đã phải nhận những nhát dao oan nghiệt khiến hai người mất đi tính mạng, 3 người bị thương nặng phải vào viện cấp cứu.
Chẳng mấy ai sinh ra để làm Lục Vân Tiên suốt đời. Mỗi người họ đều có cuộc sống với những lo toan, nhọc nhằn mưu sinh cho chính bản thân mình và những người ruột thịt.
Họ chỉ có thể có những khoảnh khắc nhất định để cảm thông và trợ giúp những người không quen biết mà đôi khi để làm việc đó họ phải đối mặt với hiểm nguy. Sau những khoảnh khắc “tỏa sáng” ấy, lẽ đương nhiên, họ cần phải bàn giao lại nhiệm vụ cho những người thực thi pháp luật, những người có đủ quyền hạn cũng như trách nhiệm và cả những phương tiện để thi hành công vụ.
Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng diễn ra như mong muốn, và những lo ngại, trước những nguy cơ thua thiệt, ngày càng lấn lướt những trắc ẩn trong mỗi người.
Tháng 7/2016, một tài xế taxi ở Hà Tĩnh đã giết nữ hành khách trẻ đi xe của mình. Sau khi sự việc xảy ra, một lãnh đạo của một hiệp hội vận tải hành khách đã lên tiếng khuyến cáo về việc phụ nữ trẻ không nên đi lại một mình vào buổi tối.
Lời khuyến cáo của ông đã bị nhiều người phản đối đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới. Họ cho rằng, phát biểu đó đồng nghĩa với việc cả xã hội, cả cộng đồng thừa nhận sự sợ hãi và lùi bước trước tội phạm nhằm vào phụ nữ.
Tại một đất nước hòa bình và ổn định, phụ nữ phải có quyền tự do đi lại. Và cộng đồng, đại diện là các cơ quan thực thi pháp luật, phải có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho những người phụ nữ của chúng ta.
Tuy nhiên, đó là trên công luận, còn trong mỗi gia đình, chắc chắn mỗi người cha người mẹ chẳng thể nào yên tâm cho con mình ra đường lúc trời tối, sau khi những sự việc đáng tiếc như vừa rồi xảy ra...
Khi cơ quan công quyền cũng như chính cả cộng đồng vẫn chưa thể hiện được sự ưu thắng tuyệt đối trước tội phạm thì cái ác vẫn còn đất trú chân.
Trở lại với vụ án xảy ra với nữ sinh viên trường Sân khấu điện ảnh, khi những người cùng tòa nhà nghe thấy tiếng la hét bất thường, nếu có một cuộc điện thoại gọi cho chủ nhà, tổ trưởng dân phố hoặc cơ quan công an gần nhất... rất có thể tội ác đã được ngăn chặn kịp thời.
Theo Trung Chính (Đất Việt)