Thuê ô tô đem bán rồi báo chủ phương tiện đến chuộc về

03/11/2015 10:55:20

Lợi dụng sự tin tưởng của người quen, Nghị liên tiếp thuê 2 chiếc ô tô với lý do để đi lại. Thế nhưng ngay sau đó, đối tượng lại bán đứt tài sản cho chủ cửa hàng cầm đồ.

Lợi dụng sự tin tưởng của người quen, Nghị liên tiếp thuê 2 chiếc ô tô với lý do để đi lại. Thế nhưng ngay sau đó, đối tượng lại bán đứt tài sản cho chủ cửa hàng cầm đồ.   

Ngày 30-10, TAND TP Hà Nội đã đưa Đỗ Quang Nghị (SN 1982, trú tại tổ 16, phường Kiến Hưng, Hà Đông) ra xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, theo điểm a, khoản 4, Điều 140-BLHS. Nguyên đơn dân sự là Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Khánh Thành (gọi tắt là Công ty Khánh Thành), trụ sở tại quận Đống Đa, chuyên kinh doanh dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái.  

Quá trình xét xử đã làm rõ, sau một thời gian quen biết Giám đốc Công ty Khánh Thành là Nguyễn Mạnh Cường (SN 1975, trú tại cùng quận Hà Đông), trong các ngày 1 và 3-1-2014, Đỗ Quang Nghị tìm đến công ty này  đề nghị thuê 2 chiếc ô tô hiệu Daewoo Lacetti BKS: 19A-738.55 và Toyota Innova BKS: 30F-1617 với giá 700.000 đồng và 850.000 đồng/ngày. Theo thỏa thuận, ngày 7-1-2014, Nghị phải trả lại Công ty Khánh Thành cả 2 xe ô tô này. Do tin tưởng Nghị nên khi bàn giao tài sản, anh Cường đưa luôn các giấy tờ xe (bản gốc) cho Nghị. Sau 3 ngày sử dụng, Nghị  đến hiệu cầm đồ của anh Nguyễn Tài Quyền (SN 1977, trú ở phường Phúc La, Hà Đông) lập giấy bán chiếc ô tô Innova cho anh này với giá 150 triệu đồng. Trong lúc mua bán, Nghị giao hẹn với chủ hiệu cầm đồ rằng trong vòng 10 ngày sẽ làm thủ tục “sang tên đổi chủ” đối với chiếc ô tô vừa bán.

Bị cáo Đỗ Quang Nghị được dẫn giải về trại giam

Tương tự, đúng đến ngày phải trả xe cho Công ty Khánh Thành (ngày 7-1-2014), Nghị lại bán nốt chiếc ô tô hiệu Lacetti cho chủ hiệu cầm đồ ở Hà Đông với giá 160 triệu đồng. Tuy nhiên, lần này anh Quyền không ra mặt mua ô tô từ Nghị mà nhờ một người bạn đứng tên trong giấy mua bán tài sản… Đến hẹn thanh lý hợp đồng thuê ô tô, anh Cường liên hệ mãi với Nghị nhưng không được. Đối tượng chỉ nhắn lại một tin nhắn với nội dung đã “đặt” 2 chiếc ô tô trên cho anh Quyền và chỉ dẫn anh Cường  tự tìm gặp chủ hiệu cầm đồ ở Hà Đông để chuộc lại. Phải đến ngày 24-4 và 27-11-2014, anh Cường mới nhận lại được tài sản bị chiếm đoạt.            

Dại mặt vì “món hời”

Tại giai đoạn điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo Đỗ Quang Nghị thừa nhận do cần tiền trả nợ một người ở Sơn La và ăn tiêu nên đối tượng đã vờ thuê 2 ô tô của Công ty Khánh Thành để chiếm đoạt. Thế nhưng, mục đích của Nghị là không hề bán đứt tài sản cho anh Quyền mà chỉ có ý định “cầm cố”. Lý giải về 2 tờ giấy bán xe, bị cáo cho rằng hoàn toàn làm theo hướng dẫn của bên nhận cầm cố ô tô.

Trái với lời khai của bị cáo, anh Nguyễn Tài Quyền lại khai ngày 3-1-2014, anh bất ngờ nhận được điện thoại của Nghị cho biết muốn bán chiếc ô tô Innova với giá hời. Do đó, sau khi xem xét kỹ phương tiện và thấy có đầy đủ giấy tờ gốc nên anh quyết định mua với giá 150 triệu đồng. Tiếp đến, 4 ngày sau, anh lại được Nghị thông báo đang có nhu cầu bán gấp chiếc ô tô Lacetti chỉ với giá 160 triệu đồng. Anh Quyền khẳng định trong quá trình giao dịch, Nghị không hề đặt vấn đề cầm cố  mà là bán tài sản. Vì thế hai bên mới lập giấy tờ mua bán phương tiện. Ngoài ra theo trình bày của chủ hiệu cầm đồ, quá trình giao dịch, anh này hoàn toàn không biết cả 2 chiếc ô tô mua của Nghị là tài sản do phạm tội mà có.

Cũng trong quá trình giải quyết vụ án, với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, anh Nguyễn Tài Quyền yêu cầu Đỗ Quang Nghị phải bồi thường 310 triệu đồng vì đó là số tiền anh đã bỏ ra và mua phải của gian. Trong khi ấy, sau khi nhận lại tài sản, Giám đốc Công ty Khánh Thành còn yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật buộc bị cáo phải bồi hoàn tổng cộng hơn 230 triệu đồng bởi đây là thiệt hại thực tế trong những ngày mà 2 chiếc ô tô của doanh nghiệp không thể khai thác được…

Sau 4 ngày xét xử và nghị án kéo dài, chiều qua (2-11), HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Đỗ Quang Nghị 12 năm tù giam theo đúng tội danh bị truy tố. Về dân sự, tòa án cũng buộc bị cáo phải bồi thường thiệt hại cho bị hại cùng người liên theo quy định của pháp luật.

Chủ hiệu cầm đồ có thừa khả năng nhận biết

Luật sư Giang Hồng Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) chia sẻ, trong vụ án này, xét về lợi ích kinh tế, có lẽ anh Nguyễn Tài Quyền là người bị thiệt hại nặng nhất vì đã bỏ ra hơn 300 triệu đồng nhưng lại mua phải tài sản bất chính. Tuy nhiên, rủi ro này anh Quyền vốn có thể lường trước được bởi lẽ ô tô là loại tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Do đó, khi ai đó có ý định mua loại tài sản này thì bắt buộc phải được sự đồng thuận của chủ sở hữu hợp pháp. Trường hợp chủ sở hữu vì lý do nào đó không trực tiếp giao dịch thì phải có giấy ủy quyền.

Ngoài ra, còn phải có sự chứng kiến và xác nhận của phòng công chứng. Ở vụ án này, cả 2 chiếc ô tô đều được đăng ký mang tên Công ty Khánh Thành. Thế nhưng khi mua bán tài sản, 2 bên chỉ lập giấy viết tay với nhau. Và ngay cả khi nhận cầm cố tài sản cũng phải được sự đồng thuận của chủ sở hữu bằng việc trực tiếp giao dịch hoặc có giấy ủy quyền. “Với kinh nghiệm của một chủ hiệu cầm đồ cùng với các biểu hiện như giấy tờ không chính chủ, giá cả mua bán rất hời và liên tiếp bán 2 chiếc ô tô ở thời điểm gần nhau, anh Quyền nên nghi ngờ, đồng thời hoàn toàn có thể nhận thức được bị cáo Nghị bán tài sản bất chính” - luật sư Giang Hồng Thanh đánh giá.

Đối với nguyên đơn dân sự, luật sư Thanh cũng khẳng định phía Công ty Khánh Thành đã rất bất cẩn khi giao đầy đủ giấy tờ (bản gốc) cho người thuê xe ô tô tự lái. Vì theo lẽ thông thường và pháp luật không bắt buộc doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải này phải giao giao đăng ký xe gốc cho người điều khiển phương tiện.

>> Những biến tướng và chiêu trò của dịch vụ cầm đồ
>> Cháu sát hại cô họ cướp xe máy trong đêm Halloween 

Theo Minh Long (An Ninh Thủ Đô)

Nổi bật