Khi đọc bức thư này chắc chắn cậu sẽ tự hỏi, ai gửi đây?
Mình bằng tuổi Tiến và mình hiện đang công tác một tờ báo tại TP HCM. Khi cậu đứng trước vành móng ngựa cũng là lúc mình phải cầm máy ảnh, cầm cây bút để viết những dòng tin liên quan đến vụ thảm sát tàn bạo ở Bình Phước.
Giữa mình và cậu có một điểm chung chính là còn ba và còn mẹ.
Cậu có biết rằng, trước giờ xét xử phiên toà phúc thẩm, mẹ cậu đã phải quỳ lạy van xin người bị hại để tha thứ lỗi lầm cho cậu không? Trong lúc cậu đang đứng trước vành móng ngựa người mẹ chỉ biết chắp tay cầu nguyện, gục khóc, đôi mắt đỏ hoe lén nhìn cậu không?
Đã rất nhiều lần mình đến thăm mẹ cậu và phát hiện bà phải ăn bún thiu, gặm bánh mì cũ.... để có tiền thăm tù cho cậu. Trước ngày xử án mẹ cậu đã thức trắng đêm cầu kinh, niệm Phật mong một phép màu để cậu thoát án tử đó!
Sáng 18-7, trước khi phiên toà phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước diễn ra, bà Vũ Thị Thi – mẹ bị cáo Vũ Văn Tiến đã quỳ lạy gia đình nạn nhân tha thứ cho tội lỗi con mình. |
Trong phiên toà, có lúc bà Thi không ngồi vững, khóc gần như cạn nước mắt |
Có lẽ khi đọc đến đoạn này cậu sẽ bám chặt tay vào song sắt buồng giam, mắt nhìn ra khe cửa sổ nhỏ mà muốn gửi vài lời đến mẹ yêu. Và mình đoán rằng, cậu đang rất nhớ khuôn mặt mặt khắc khổ, bàn tay gầy guộc đầy vết chai sần luôn yêu thương cậu. Đó là mẹ!
Tiến à, dẫu sao tội lỗi của cậu phần nào đánh thức những người trẻ đang làm điều xấu biết hồi tâm để có thể trở lại sống lương thiện.
Đêm qua, sau phiên tòa phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước mẹ cậu gần như thức trắng đêm, hơn 3 giờ sáng bà đã gọi cho mình khóc rất nhiều. Bà cầu nguyện cho cậu đừng nghĩ quẫn mà không chăm sóc sức khỏe. Mình đã nghe bà nói rằng muốn đổi mạng sống của bà cho cậu. Hơn bao giờ hết, bà đang khát khao một cuộc sống đầy tình yêu thương. Bà đang cầu mong có thể chịu tội thay cậu.
Vũ Văn Tiến trong phiên toà phúc thẩm vụ thảm sát Bình Phước |
Khi tiếc nuối một điều gì đó người ta hay dùng hai từ giá như. Và cuối cùng tội ác của cậu cũng phải trả giá đắt. Hiện người mẹ của cậu phải nhận lại nỗi đau đớn mất con, nỗi dị nghị của người đời. Giá như cậu suy nghĩ chín chắn, đừng vì giấy phút sai lầm hủy hoại tất cả.
Qua câu chuyện của cậu, mình nghĩ những người trẻ như chúng ta sẽ nhìn lại, điều chỉnh hành vi để sống tốt hơn. Bởi cuộc sống này là một trong những thứ quý giá nhất.
Theo Lê Phong (Nld.com.vn)