Thủ đoạn 'moi tiền' của bị cáo lĩnh mức án cao nhất trong đại án đăng kiểm

26/08/2024 08:45:06

Dù các trung tâm đăng kiểm của Trần Lập Nghĩa chỉ là đơn vị tư nhân nhưng bị cáo cũng dùng nhiều thủ đoạn để “moi tiền” của chủ phương tiện mỗi khi tới kiểm định.

Sau hơn một tháng xét xử, ngày 23/8, TAND TPHCM đã tuyên án với 254 bị cáo liên quan tới sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo đó, bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Đăng kiểm, giai đoạn từ tháng 1/2014 - 7/2021) 25 năm tù cho 2 tội danh “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Bị cáo Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Đăng kiểm, giai đoạn từ tháng 8/2021 - 12/2022) 19 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.

Đặc biệt, trong vụ án này, bị cáo Trần Lập Nghĩa (cựu ciám đốc các Trung tâm đăng kiểm 62-03D - Long An; Trung tâm 71-02D - Bến Tre; Trung tâm 83-02D - Sóc Trăng) phải lãnh mức án cao nhất lên tới 30 năm tù cho các tội “Nhận hối lộ”, “Giả mạo trong công tác” và “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác”.

Thủ đoạn 'moi tiền' của bị cáo lĩnh mức án cao nhất trong đại án đăng kiểm
Bị cáo Trần Lập Nghĩa. Ảnh: VD

Trần Lập Nghĩa là “mắt xích” quan trọng trong việc phá vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo đó, vào các ngày 26 và 28/10/2022, tổ công tác của Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TPHCM phát hiện 2 ô tô có dấu hiệu cơi nới thành, thùng xe nên dừng phương tiện để kiểm tra. 

Kết quả cho thấy, số đo kích thước thành, thùng xe trùng khớp với số đo trong Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện xe cơ giới đường bộ (Giấy chứng nhận kiểm định). Tuy nhiên, kích thước này lại sai lệch so với số đo theo thông số kỹ thuật của xe trên cơ sở dữ liệu tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. Do đó, kết quả này được chuyển đến cơ quan điều tra để xác minh, làm rõ.

Theo lời khai của chủ một trong 2 chiếc xe, để làm Giấy chứng nhận kiểm định theo kích thước thành, thùng xe đúng với thông số đã được cơi nới, anh ta phải chi tiền hối lộ cho Trung tâm 62-03D.

Ngày 23/11/2022, cơ quan điều tra khám xét khẩn cấp trung tâm này, thu giữ nhiều tài liệu liên quan đến sai phạm. Từ đây, góc tối tại Cục Đăng kiểm được phơi bày.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Nghĩa khai, mỗi khi thành lập trung tâm đăng kiểm, Nghĩa phải lặn lội ra tận Cục Đăng kiểm “lót tay” cho cựu Cục trưởng Trần Kỳ Hình để ông này đồng ý chủ trương, cấp mã số cho trung tâm.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2021, do tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của các trung tâm và áp lực chung chi cho lãnh đạo cục nên Nghĩa chỉ đạo cho nhân viên cấp dưới nhận hối lộ của chủ xe.

Trước khi bị TAND TPHCM đưa ra xét xử và tuyên phạt 30 năm tù, tháng 3/2024, Trần Lập Nghĩa đã bị TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 17 năm tù về tội “Nhận hối lộ”, 12 năm tù về tội “Giả mạo trong công tác”.

Như vậy, tổng hợp 2 bản án của TAND tỉnh Đồng Tháp và TAND TPHCM, bị cáo Trần Lập Nghĩa phải chịu là 30 năm tù (theo quy định, một người phạm nhiều tội và bị đưa ra xét xử ở nhiều vụ án khác nhau, hình phạt cao nhất của các bản án mà họ phải chịu không quá 30 năm).

Theo bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Đồng Tháp, Trung tâm đăng kiểm 66-02D (huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) trực thuộc Công ty TNHH MTV Đức Khôi, do chị ruột Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, nhưng thực tế là Nghĩa làm chủ đầu tư, quản lý và điều hành.

Tại đây, Nghĩa cũng cho nhân viên thu tiền phụ thu của chủ phương tiện để bỏ qua lỗi. Nhằm thuận tiện cho việc điều hành, chỉ đạo, Nghĩa lập nhóm Viber "66-02D" để trao đổi và đưa ra giá tiền phụ thu từ 200.000 - 1,5 triệu đồng/phương tiện, tùy mức độ lỗi.

Theo kết quả điều tra, từ đầu tháng 2-10/2022, trung tâm của Nghĩa đã nhận tiền phụ thu của hơn 5.200 phương tiện không đạt chuẩn, với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Theo Thanh Phương (VietNamNet)