Từ lâu, việc thanh toán bằng tài khoản ngân hàng được người dân lựa chọn là một trong những phương pháp tối ưu, an toàn, nhanh chóng và thuận lợi nhất. Tuy nhiên đây cũng chính là cơ hội để các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo trục lợi.
Các đối tượng thường chỉnh sửa các hóa đơn chuyển tiền sau đó cho nạn nhân xem giao dịch thành công, nhằm chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều ổ nhóm dùng “ảo thuật” cắt ghép nội dung để lừa đảo. Không ít người dân trở thành nạn nhân của bọn chúng…
Chị Ánh - chủ cửa hàng kinh doanh tại Lào Cai trong một lần thanh toán đã bị hai đối tượng xấu lừa mất số tiền 600.000 đồng bằng hình thức chuyển khoản vào ngày 6/6/2023.
Chị Ánh kể lại, sau khi sử dụng xong dịch vụ tại cửa hàng, cặp vợ chồng yêu cầu thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Tổng giá trị dịch vụ là 120.000 đồng, cặp vợ chồng ngỏ ý muốn lấy tiền mặt nên chuyển cho chị 600.000 đồng và lấy lại 480.000 đồng tiền mặt.
Sau khoảng vài phút đối tượng chuyển tiền xong, rồi đưa cho chị xem màn hình điện thoại đã thông báo chuyển khoản thành công.
“Ban đầu, tôi kiểm tra tài khoản chưa có tiền, lúc đó nam thanh niên nói do nhỡ ấn nhầm chuyển khoản chế độ thường và khác ngân hàng nên vài tiếng sau mới nhận được. Cũng đã gặp trường hợp tương tự thế này nên tôi tin tưởng, đưa tiền cho đối tượng xấu", chị Ánh nói.
Chờ cả ngày sang đến cả ngày hôm sau không thấy tiền về tài khoản, lúc này chị mới biết mình bị lừa. Chị gọi vào số điện thoại nam thanh niên để lại nhưng được phản hồi là nhầm số. Sau đó, chị đăng tải lại thông tin cho mọi người cùng biết và cảnh giác trước đối tượng xấu này.
Sau khi đăng tải lên mạng, nhiều người bình luận cũng đã từng bị lừa giống chị Ánh. Đa số các đối tượng sử dụng ảnh chuyển khoản đã photoshop sau đó sửa lại thông tin người thụ hưởng. Hai đối tượng chủ yếu nhằm vào người già và các hộ kinh doanh đang đông khách nhằm đánh lạc hướng.
"Khi nhìn ảnh chụp màn hình chuyển khoản, mọi người hãy nhìn kỹ từng chữ chứ không nên nhìn thoáng qua số tiền, đặc biệt là số tài khoản xem đúng có phải của mình hay không. Tốt nhất nên kiểm tra tài khoản cả trên ứng dụng và tin nhắn, phải chắc chắn tiền về tài khoản mới cho người mua đi", chị Ánh khuyên nhủ.
Làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng là thủ đoạn không mới, đã được các cơ quan chức năng cảnh báo từ lâu để người dân cảnh giác. Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo là mua hàng số lượng lớn, sau đó vay thêm tiền mặt của nạn nhân rồi chuyển khoản trả. Các đối tượng đã sử dụng hóa đơn giả để đánh lừa rằng mình đã chuyển khoản rồi bỏ đi thật nhanh, trước khi các nạn nhân nhận ra mình đã bị lừa.
Không chỉ photoshop hóa đơn chuyển tiền, gần đây nhiều đối tượng trên mạng xã hội đã chia sẻ nhau về các trang web có thể tạo nên một hóa đơn giả mạo của ngân hàng một cách nhanh chóng. Các trang web này có thể làm giả hóa đơn chuyển khoản, hóa đơn biến động số dư, hóa đơn số dư, hóa đơn nạp tiền… của hầu hết các ngân hàng lớn và ví điện tử hiện nay như TPBank, Vietcombank, BIDV, Agribank… Giá của loại dịch vụ này rất rẻ, chỉ từ 50-100 ngàn đồng/hóa đơn.
Theo Minh Thùy (Phụ nữ Thủ đô)