Ngày 21-12, TAND TP Hà Nội xử sơ thẩm vụ lừa đảo xảy ra tại Công ty CP Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt). Đây là một trong những vụ án liên quan đến hoạt động đa cấp lớn nhất từ trước tới nay.
Bảy bị cáo thuộc Công ty Liên kết Việt hầu tòa cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm: Lê Xuân Giang (cựu quân nhân, chủ tịch HĐQT), Lê Văn Tú (tổng giám đốc), Nguyễn Thị Thủy (phó tổng giám đốc), Lê Thanh Sơn, Trịnh Xuân Sáng, Vũ Thị Hồng Dung và Nguyễn Xuân Trường (thành viên nhóm phát triển thị trường).
Đặc biệt, TAND TP Hà Nội triệu tập 6.053 người với tư cách là bị hại.
Theo nội dung truy tố, Công ty CP Tập đoàn thiết bị y tế BQP (gọi tắt là Công ty BQP) và Công ty Liên kết Việt đều do Giang thành lập và điều hành. Trong đó, Công ty BQP trực tiếp sản xuất các sản phẩm máy khử độc Ozone Advance great-13, Bổ não vương-BQP, Dưỡng cốt vương-BQP, Sâm nhung đông trùng hạ thảo-BQP. Riêng thực phẩm chức năng Ngũ linh đông trùng hạ thảo thì mua của Công ty Biovaccine Việt Nam.
Về phía mình, Công ty Liên kết Việt được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp để bán các sản phẩm do Công ty BQP sản xuất và mua.
Nhằm tạo lòng tin, Giang nhờ người làm giả các quyết định, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và chủ tịch UBND TP.HCM đối với công ty cùng một số cá nhân. Tiếp đó, Giang đã chỉ đạo cấp dưới lên chương trình, tổ chức đón nhận bằng khen rầm rộ tại các buổi tôn vinh, trả hoa hồng cho nhà phân phối nhằm khuếch trương hình ảnh của công ty.
Bị cáo này còn chỉ đạo nhân viên đăng tải hình ảnh lên website, in khổ lớn treo trên toàn bộ hệ thống công ty, rằng Công ty BQP là Công ty Bộ Quốc phòng, Công ty Liên kết Việt là công ty con của Công ty BQP.
Chưa hết, Giang yêu cầu các bị cáo khác đưa hình ảnh mình mặc trang phục quân đội đang làm việc tại công ty, chụp ảnh với các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng…
Điều này khiến cho các bị hại tưởng rằng các sản phẩm của Công ty BQP là của Bộ Quốc phòng, liên doanh, liên kết với các cơ quan uy tín của Bộ Quốc phòng, được thử nghiệm, đưa vào sử dụng tại các bệnh viện trung ương.
Công ty Liên kết Việt đưa ra chính sách bao gồm 10 loại hoa hồng và 15 chương trình khuyến mãi (trong đó có chương trình chỉ cần nộp 8,6 triệu đồng sẽ được hưởng lãi lên tới 409 triệu đồng).
Để mở rộng mạng lưới, Giang cùng các đồng phạm phát triển 34 chi nhánh, văn phòng đại diện, đại lý tại 27 tỉnh/TP. Tính đến tháng 11-2015, các bị can lôi kéo được hơn 68.000 người tại 49 tỉnh/TP tham gia với tổng số tiền lên tới gần 2.100 tỉ đồng.
Số tiền trên Giang sử dụng hơn 869 tỉ đồng để chi hoa hồng, hơn 17 tỉ đồng chi trả cho nhà phân phối, hơn 82 tỉ đồng để sản xuất hàng hóa… Số tiền còn lại hơn 1.100 tỉ đồng các bị cáo chiếm đoạt.
Đến nay cơ quan tố tụng mới xác định được 6.053 người là bị hại trong vụ án có đầy đủ thông tin, địa chỉ. Những người này đã nộp cho Công ty Liên kết Việt hơn 584 tỉ đồng, trừ đi các khoản hoa hồng, hàng hóa và tài sản nhận được, họ bị chiếm đoạt hơn 391 tỉ đồng.
Theo T.Phan (Pháp Luật TPHCM)