Video: Mưu mô qua mặt pháp luật trong 3 vụ án của anh em Đinh La Thăng
Cụ thể, tại phiên tòa ngày 8-1, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ chính thức bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả”, theo khoản 3, Điều 165-BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh – nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) bị truy tố cùng lúc về 2 tội danh là “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”, theo Điều 278-BLHS.
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam này còn có 20 bị cáo khác (hầu hết đều thuộc PVN và PVC) cũng lần lượt bị truy tố, xét xử về tội danh quy định tại Điều 165-BLHS. Riêng bị cáo Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng Giám đốc PVC cũng bị truy tố cùng lúc về 2 tội danh như Trịnh Xuân Thanh.
Giữ quyền Chủ tọa tại phiên tòa sơ thẩm ngày mai là Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân. Hội đồng xét xử còn có Thẩm phán Trương Việt Toàn (Phó Chánh tòa Hình sự - TAND TP Hà Nội) và 3 hội thẩm nhân dân. Để bảo đảm hoạt động xét xử, Tòa Hà Nội cũng bố trí 1 thẩm phán và 2 hội thẩm nhân dân dự khuyết.
Do tính chất phức tạp của vụ án, phiên xử có tới 3 kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Đó là: Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội Đào Thịnh Cường và 2 kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Minh Đồng, Nguyễn Mạnh Thường. VKSND TP Hà Nội cũng bố trí 2 kiểm sát viên dự khuyết tại phiên xử.
Về phía những người tham gia tố tụng, tính đến thời điểm này có khoảng 40 luật sư tham gia phiên tòa. Trong đó, bị cáo Đinh La Thăng mời 3 luật sư bào chữa là luật sư Phan Trung Hoài, Nguyễn Huy Thiệp và Đào Hữu Đăng. Bị cáo Trịnh Xuân Thanh từ chỗ có 9 luật sư dự định bào chữa, thì hiện chỉ còn 5 người.
Tại phiên tòa cũng sẽ có 2 nguyên đơn dân sự (người bị hại) là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam. Tòa án Hà Nội cũng đã triệu tập 7 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, hơn 30 người làm chứng và 6 giám định viên.
Điểm mới ở phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng cùng 21 đồng phạm là hội trường xử án sẽ được áp dụng mô hình mới, theo Thông tư của TAND Tối cao quy định về phòng xử án, có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Theo đó, luật sư được bố trí chỗ ngồi ngang hàng với đại diện Viện Kiểm sát.
Các bị cáo có chỗ ngồi riêng, bên dưới luật sư bào chữa và đại diện VKS. Phòng xử sẽ không còn vành móng ngựa. Khi trả lời thẩm vấn, các bị cáo sẽ đứng vào vị trí bàn khai báo.
Trong một diễn biến khác, ngay trước khi phiên tòa diễn ra vào ngày 8-1, người thân của bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã chủ động đến Cục Thi hành án Dân sự TP Hà Nội tự nguyện nộp khắc phục hậu quả số tiền 2 tỉ đồng. Tương tự, gia đình của hai bị cáo khác là Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVN và Nguyễn Anh Minh - nguyên Phó Tổng giám đốc PVC cũng nộp tổng cộng hơn 3 tỉ đồng tại cơ quan thi hành án.
Theo Trịnh Tuyến (An Ninh Thủ Đô)