Đặt mua pháo trên mạng xã hội
Ngày 9/3, Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, Nguyễn Văn An (SN 1975 ở tổ 15, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai) - đối tượng liên quan đến vụ đốt pháo ở đám cưới tại xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn đã ra đầu thú.
Tại cơ quan công an, Nguyễn Văn An khai nhận đã cùng Trần Văn Khang (SN 1979, trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn) đốt bánh pháo dài 50m tại đám cưới ở xã Phù Lỗ.
Sau khi đốt pháo, An đã trở về nhà ở Lào Cai. Khi biết lực lượng công an đang điều tra vụ việc, An đã trốn khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, nhận thấy không thể trốn thoát, An đã ra đầu thú.
Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Sóc Sơn đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Nguyễn Văn An về hành vi "Gây rối trật tự công cộng" để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Trước đó, chiều 4/3 Công an huyện Sóc Sơn (Hà Nội), đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với Trần Văn Khang (41 tuổi, trú tại khối 12, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng. Công an huyện Sóc Sơn cũng đã khởi tố vụ án hình sự về hành vi "Gây rối trật tự công cộng", điều tra vụ các đối tượng đốt pháo trong đám cưới xảy ra ngày 1/3.
Tại cơ quan điều tra, đối tượng Trần Văn Khang khai nhận đã lên mạng xã hội đặt mua pháo của một người lạ mặt, chuyển về nơi tổ chức đám cưới.
Pháo sau đó được người bán chuyển về xã Phù Lỗ, để Khang rải ra đường và treo dọc rạp cưới, đốt trước và sau khi đón dâu.
Cũng theo lời khai ban đầu của Khang về số lượng pháo, đối tượng này đã mua 3 bánh, mỗi bánh dài 15m, với tổng số tiền 4,3 triệu đồng.
Hành vi coi thường pháp luật
Liên quan đến vụ đốt pháo đỏ đường trong đám cưới ở Sóc Sơn gây xôn xao dư luận, luật sư Lê Minh Đức (Văn phòng luật số 6, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, ngoài các loại pháo được sử dụng quy định tại Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP, thì tất cả những hành vi quản lý, sử dụng pháo khác đều là vi phạm quy định pháp luật.
Việc đốt pháo nổ trái phép với số lượng lớn của các đối tượng thể hiện sự coi thường pháp luật, khiến nhiều người tỏ ra bức xúc, bất bình, cần xử lý nghiêm để răn đe.
Mặc dù sự việc đã xảy ra nhưng cơ quan chức năng sẽ căn cứ theo nguồn thông tin thu thập được và những hình ảnh, video về vụ việc để xác định trọng lượng, nguồn gốc số pháo nổ để xử lý.
Đối với người đốt pháo, nếu không phải là người trực tiếp mua bán pháo nổ trái phép nhưng việc đốt pháo xảy ra nơi công cộng thì đây là hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội với mức phạt 1 - 2 triệu đồng.
Người đốt pháo nơi công cộng cũng có thể bị xem xét, xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Nếu mức độ nghiêm trọng thì sẽ xử lý hình sự, nếu hậu quả được xác định chưa đến mức nghiêm trọng thì sẽ bị xử phạt hành chính.
Đối với người mua bán trái phép pháo nổ, luật sư cho biết, sẽ có chế tài xử lý phù hợp căn cứ theo số lượng pháo má các đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép.
Theo Thông tư liên tịch 06/2008/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo nổ và thuốc pháo thì: người mua bán hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép pháo nổ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán trong nước bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm. Nếu mua bán qua biên giới còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu.
Nếu số lượng pháo nổ từ 10kg trở lên, hoặc dưới 10kg nhưng gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị cứu trách nhiệm hình sự về tội buôn bán hàng cấm. Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 2015.
Bên cạnh đó, với số lượng pháo đốt lớn như vậy, luật sư Lê Minh Đức cho rằng, cơ quan chức năng cần làm rõ số lượng pháo đó được các đối tượng mua ở đâu, từ đó có hình thức xử lý nghiêm khắc.
Theo Nhật Tân (Giadinh.net.vn)