TAND TP Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 31/7 bác đơn kiện của ông Hồ Văn Lương đối với quyết định buộc thôi việc của Hiệu trưởng trường THPT Lê Hồng Phong, xác định phía nhà trường có cơ sở khi ban hành quyết định này.
Theo đơn kiện, ông Lương làm việc tại trường THPT Lê Hồng Phong (TP Biên Hoà) từ năm 2011. Đến năm 2014 thầy giáo môn Hoá được ký hợp đồng lao động viên chức không xác định thời hạn.
Tháng 6/2016, hiệu trưởng Trương Văn Sơn ký quyết định kỷ luật buộc thôi việc thầy Lương vì cho là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật giáo dục, Điều lệ trường; không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong thực hiện hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, quyết định này bị Sở Giáo dục - Đào tạo Đồng Nai "tuýt còi", yêu cầu nhà trường hủy, do chưa đủ cơ sở kết luận ông Lương "gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng", đồng thời đề nghị xử lý thầy giáo này theo Nghị định 27/2012 của Chính phủ.
Đến ngày 7/12/2016, Hiệu trưởng Sơn tiếp tục ra quyết định buộc thôi việc ông Lương do "đã nhận nhiều hình thức kỷ luật", gồm: khiển trách vì có hành vi vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo; cảnh cáo vì vi phạm quy định dạy thêm học thêm; cảnh cáo do không chấp hành sự phân công của lãnh đạo gây ảnh hưởng đến công việc chung.
Tại phiên tòa, ông Lương phủ nhận những vi phạm mà nhà trường cáo buộc, cho rằng quyết định kỷ luật buộc thôi việc là trái pháp luật. Theo nguyên đơn, nhà trường không có bằng chứng, có nhiều tình tiết vu khống ông vi phạm quy định về đạo đức nhà giáo; việc dạy thêm chưa có biên bản ghi nhận xử lý của cấp có thẩm quyền là UBND TP Biên Hòa hoặc sở Giáo dục - Đào tạo như quy định.
Trong khi đó, luật sư của trường THPT Lê Hồng Phong khẳng định quyết định kỷ luật đối với ông Lương là đúng pháp luật.
VKS đề nghị chấp thuận đơn kiện của thầy giáo
Dẫn Nghị định 27/2012 của Chính phủ, đại diện VKS TP Biên Hòa cho rằng, thời điểm phát hiện sai phạm của ông Lương (ngày 29/2/2016) đến khi ra quyết định kỷ luật (ngày 7/12/2016) đã quá thời hạn xử lý 9 tháng 7 ngày. Tuy nhiên, nhà trường vẫn không có quyết định kéo dài việc xử lý kỷ luật.
Theo VKS, quá trình trường THPT Lê Hồng Phong xử lý kỷ luật ông Lương đã không tuân thủ quy định của pháp luật, nên quyết định buộc thôi việc nguyên đơn là trái quy định. Từ đó, Viện đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lương, nhà trường phải hủy quyết định kỷ luật, phải nhận viên chức này trở lại làm việc và chi trả các khoản tiền lương theo quy định.
Tuy nhiên, quan điểm này không được toà chấp nhận. Theo HĐXX, ông Lương có hành vi dạy thêm, không chấp hành sự phân công của lãnh đạo nhà trường. Mặt khác, Điều 53 Luật Viên chức năm 2010 quy định, thời hạn xử lý kỷ luật từ khi phát hiện đến lúc ra quyết định là 24 tháng. Theo đó, trường THPT Lê Hồng Phong có cơ sở khi ra quyết định buộc thôi việc ông Lương.
Theo Phước Tuấn (VnExpress.net)