'Thao túng tâm lý' lừa đảo 17 tỷ đồng có thể bị tù chung thân

16/09/2022 10:30:06

Vụ “hotgirl” bị tố giả làm đám cưới lừa 17 tỷ đồng đang khiến mạng xã hội dậy sóng. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu sự việc này là có thật, cá nhân thực hiện hành vi lừa đảo hàng chục tỷ đồng sẽ bị xử lý ra sao?

'Thao túng tâm lý' lừa đảo 17 tỷ đồng có thể bị tù chung thân
Ảnh minh họa.

Theo các thông tin được đăng tải trên mạng xã hội, người phụ nữ tên V.A (sinh năm 1995, quê Bắc Giang) đã bị tố lừa đảo nhiều người với kịch bản lừa đảo hoàn hảo. Khoảng giữa tháng 7, V.A kết bạn với anh K qua facebook rồi hẹn gặp tại quán cà phê.

Với vẻ ngoài trẻ trung, xinh xắn cùng với vẻ hào nhoáng mà cô gái này xây dựng trên mạng xã hội, V.A đã khiến anh K xiêu lòng và cả 2 bắt đầu quan hệ yêu đương.

Quá trình sống chung tại nhà anh K, V.A để ý và nắm rõ tài chính, kinh tế, bất động sản của anh K. Trong hơn một tháng quen nhau, anh K cho biết mình đã mất khoảng gần 90 triệu đồng gửi cho V.A đặt cọc ô tô, tiền mua đồ, máy ảnh...

Trước đó, một tài khoản Facebook tên N.L cũng đăng bài tố cáo V.A. Theo chị L, từ năm 2018, V.A đã tiếp cận gia đình chị với vẻ ngoài giàu sang, hào nhoáng để hẹn hò. Cô gái nhiều lần chủ động tặng quà cho gia đình bạn trai, thể hiện sự hiểu biết về những tài sản xa xỉ, đắt tiền.

Đám cưới giữa V.A. với em chồng chị rất xa xỉ, diễn ra tại một khách sạn 5 sao ở Hà Nội. Khách mời của V.A. lên tới vài trăm người, của hồi môn là chiếc Rolls Royce trị giá gần chục tỷ đồng. Song thực chất đây là kịch bản lừa đảo rất tinh vi của V.A.

Cô gái này đã thuê biệt thự, căn hộ hạng sang và xế hộp sang trọng ở để tạo mác con nhà “trâm anh thế phiệt, thậm chí thuê một công ty tổ chức sự kiện để thực hiện màn đóng giả họ nhà gái với khoảng 300 người tham dự đám cưới…

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, với vụ việc trên nếu các nội dung tố cáo là thật, các nạn nhân có thể tập hợp tài liệu chứng cứ cùng đơn tố giác gửi đến cơ quan công an để điều tra làm rõ. Trường hợp có đủ căn cứ cho rằng đối tượng đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này.

Theo quy định hiện hành, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối nhằm đánh lừa người khác để mưu lợi, chiếm đoạt tài sản. Người lừa đảo sẽ thực hiện các thủ đoạn gian dối để giấu giếm nội dung không đúng sự thật nhằm làm cho người khác tin tưởng là thật mà giao tiền, tài sản cho các đối tượng lừa đảo.

Thời gian qua, đã xuất hiện một số thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến khiến nhiều người mắc bẫy như lừa đảo tuyển cộng tác viên shopee “việc nhẹ lương cao” trên Facebook, Zalo; tuyển người like, thả tim Tiktok...; Lừa đảo qua điện thoại; Lừa đảo qua app thậm chí còn giả làm lễ cưới, tổ chức sinh nhật để lừa tiền.

Điều 174 BLHS 2015 sửa đổi về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định, người nào dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.

Phạt tù từ 2-7 năm nếu thuộc một trong các trường hợp có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tài sản chiếm đoạt trị giá từ 50-dưới 200 triệu đồng; Mức phạt tù từ 7-15 năm được áp dụng trong trường hợp tài sản chiếm đoạt trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng.

Đặc biệt, cá nhân có hành vi lừa đảo sẽ phải đối diện với mức phạt tù từ 12 - 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên.

Như vậy, trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá 17 tỷ đồng có thể bị phạt tù từ 12 - 10 năm hoặc tù chung thân - Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Theo H.L (An Ninh Thủ Đô)