Vụ thảm sát ở Yên Bái được chuyên gia về tâm lý tội phạm nhận định là 'có thể bị ảnh hưởng ‘hiệu ứng’ từ nhiều vụ thảm sát trước đó' (?).
Chỉ trong khoảng thời gian hơn 1 tháng, trên cả nước đã xảy ra 4 vụ thảm sát nghiêm trọng (thảm sát tại Nghệ An khiến 4 người tử vong, thảm sát tại Bình Phước khiến 6 người tử vong, thảm sát tại Quảng Trị khiến 2 người mất mạng và hiện giờ là thảm sát Yên Bái cướp đi sinh mạng của 4 người). Nhìn nhận từ góc độ tâm lý học tội phạm, liệu rằng, có hiệu ứng nào đó khiến các vụ thảm sát liên tiếp xảy ra không thưa bà?
|
Ngôi nhà nạn nhân nơi xảy ra vụ thảm sát Yên Bái |
TS Hà Thị Hồng Lan: Không ai mong muốn nhưng tôi thực sự lo ngại, tiếp theo vụ thảm án ở Yên Bái sẽ có thêm vụ thảm sát khác nữa. Tôi có cảm nhận trong giới trẻ hiện nay, nhiều người coi thường mạng sống của mình. Họ không sợ chết, họ bất chấp tất cả. Thậm chí, họ muốn được nổi tiếng, dù là phải trả giá bằng cái chết nhưng họ bất chấp để được nổi tiếng. Đây là một cách suy nghĩ hoàn toàn lệch chuẩn.
Vậy theo bà, tại sao gần đây lại có nhiều vụ thảm sát xảy ra?
TS Hà Thị Hồng Lan: Theo quan điểm của thuyết Học từ xã hội, tất cả những vấn đề trong xã hội từ tiêu cực cho đến tích cực đều tác động vào con người, ảnh hưởng nhất định đến hành động. Bên cạnh đó, thuyết Gần gũi cũng chỉ ra rằng, một người luôn gần gũi với người khác sẽ tạo cảm giác tin tưởng, thiện cảm và sẽ khiến người bị hại không có cảm giác đề phòng. Tuy nhiên, trong các vụ thảm sát thuyết này không thực sự “nổi” như thuyết Học từ xã hội.
Tôi cho rằng, từ Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện cho đến Nguyễn Hải Dương và đến nay là hung thủ vụ thảm sát ở Yên Bái… đều bị tác động bởi những trò chơi bạo lực, những bộ phim có mô tả chi tiết, thậm chí còn dạy cả cách thức hành động đang tràn lan trên internet hiện nay. Khi tiếp cận nhiều, người ta dễ nảy sinh tâm lý thử để biết. Dù có thể chưa hề có ý định phạm tội nhưng khi bị tác động bởi những yếu tố xung quanh như thế, các đối tượng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
|
TS Hà Thị Hồng Lan |
TS Hà Thị Hồng Lan: Pháp luật áp dụng hình phạt tử hình là hình phạt mạnh nhất đối với những kẻ giết người. Thế nhưng, theo dõi một loạt những vụ thảm án vừa qua, tôi cảm nhận rằng, các đối tượng không sợ cái chết. Đối với những người ấy, biện pháp trừng phạt của pháp luật không phải là cái để cho họ sợ hãi.
Các đối tượng thường bất cần đời, chai sạn trong cảm giác sợ hãi. Khi gây án, chúng có sự chuẩn bị về mặt tâm lý và tự tin rằng với kế hoạch đã định thì lực lượng công an không thể phát hiện ra được. Và khi bị phát hiện thì chúng cũng xác định là “thôi tiền hết, tình tan, đời tàn” thì cũng chẳng có gì phải nghĩ. Điều đó chứng tỏ các đối tượng rất vững vàng về mặt tâm lý, chuẩn bị rất kỹ càng, biết mình sẽ hành động như thế nào, sau khi hành động thì cần làm gì.
Chẳng hạn, trong vụ thảm sát tại Bình Phước, khi cơ quan điều tra tiến hành dựng lại hiện trường, các đối tượng tỏ ra vô cùng bình tĩnh, không hề tỏ ra sợ hãi. Nếu là một người bình thường, về mặt tâm lý, bước chân vào nơi từng có 6 người bỏ mạng sẽ cực kỳ run sợ.
Vậy theo bà, làm sao để ngăn chặn sự dã man, tàn khốc này? Những nhà làm luật, thực thi pháp luật cần có những giải pháp gì kịp thời?
TS Hà Thị Hồng Lan: Chúng tôi đang vô cùng trăn trở về vấn đề này. Nguyên nhân cốt lõi khiến xảy ra hàng loạt các vụ thảm sát là do thiếu sự tu dưỡng, rèn luyện nhân cách của một bộ phận giới trẻ hiện nay; do sự quan tâm, giáo dục của gia đình, người thân chưa đúng mực khi quá tin tưởng, quá nuông chiều, ít quan tâm đến đời sống tinh thần của con em mình...
Bên cạnh đó, những hình ảnh bạo lực, phim xã hội đen; lối sống nặng về tranh đoạt vật chất, ăn chơi sa đọa, lười biếng, thích hưởng thụ, chạy theo đồng tiền bằng mọi giá… lan tràn trên sách báo, phim ảnh, internet, mạng xã hội đang tác động vào nhận thức, lối sống, hành vi của không ít người.
Bên cạnh đó, việc truyền thông tạo ra mặt trái khi miêu tả quá chi tiết và rùng rợn các vụ thảm sát chấn động cũng đã tác động xấu tới tâm lý của các đối tượng phạm tội.
Hình phạt không phải là biện pháp hữu hiệu để áp dụng đối với những đối tượng “máu lạnh” như vậy. Nhiều đối tượng dù rất am hiểu pháp luật nhưng vẫn hành động giết người man rợ. Vậy nên, chúng ta cần một giải pháp mang tính đột phá, đòi hỏi nỗ lực của các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội, đặc biệt là từ giáo dục.
Ngoài ra, luật nên quy định theo hướng mở, nghĩa là đối với những vụ án dã man, đặc biệt nghiêm trọng, người chưa thành niên gây cái chết với nhiều người thì quy định mức hình phạt cụ thể cho trường hợp đó, mà không theo quy định chung để đủ sức răn đe.
Theo Dương Thu - Hạnh Nguyên (Nguoiduatin.vn)