Thảm sát ở Yên Bái: Ai có thể vỗ tay khi bị cáo lãnh án tử hình?

29/10/2015 08:30:34

Thông thường người ta chỉ vỗ tay khi vui mừng hay hưởng ứng một điều gì đó rất đáng hoan nghênh, đáng tự hào chứ không phải là ủng hộ việc ai đó phải chết.

Thông thường người ta chỉ vỗ tay khi vui mừng hay hưởng ứng một điều gì đó rất đáng hoan nghênh, đáng tự hào chứ không phải là ủng hộ việc ai đó phải chết.
Sáng 28/10, tại Trung tâm văn hóa thông tin huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã diễn ra phiên toà xét xử lưu động bị cáo Đặng Văn Hùng (SN 1989, trú tại thôn 16, xã Lâm Giang, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) về tội danh Giết người.
 
Vụ thảm sát ở Yên Bái đã khiến dư luận trong cả nước xôn xao, phẫn nộ vì thủ đoạn tàn độc, sát hại cả 4 người trong một gia đình (trong đó có cả trẻ nhỏ) của hung thủ.
 
Kết thúc phiên xét xử, bị cáo Đặng Văn Hùng đã phải nhận mức án cao nhất là tử hình. Bản án thể hiện sự nghiêm khắc của pháp luật, cái ác đã bị trừng trị thích đáng.
 

Hàng nghìn người đã đến xem phiên tòa xét xử bị cáo Đặng Văn Hùng.


Có lẽ chưa bao giờ người ta thấy việc đi xem xử án lại đông đến như vậy. Và có lẽ cũng ít khi nào người ta thấy sau một bản án tử hình lại là những tiếng vỗ tay của cả ngàn người.
 
Tiếng vỗ tay của công lý được thực thi hay tiếng vỗ tay của sự “hả hê” trước một người bị tuyên là phải chết? Dù gì đi chăng nữa việc phải tử hình một con người là điều thật đau xót.
 
Thông thường người ta chỉ vỗ tay khi vui mừng hay hưởng ứng một điều gì đó rất đáng hoan nghênh, tự hào. Không ai dám bênh vực bị cáo khi đã gây ra tội ác tày đình như thế và bản án dành cho bị cáo là một phần tất yếu. Thế nhưng, cứ nghĩ đến cảnh khi ai đó nhận quyết định “chết” mà chúng ta vỗ tay hưởng ứng là sống mũi tôi cứ cay cay đến khó tả.
 
Hãy nhìn ảnh mắt thẫn thờ của bị cáo khi phải nhận mức án cao nhất. Cơ hội làm lại cuộc đời của bị cáo dường như đã khép lại và dù có hối cải và nhận ra tội ác của mình thì điều đó vẫn trở nên quá muộn màng. Tiếng vỗ tay của cộng đồng như một gáo nước lạnh cuối cùng hất thẳng vào mặt một con người không lâu sau đó sẽ trở thành một tử tù.

Bị cáo Đặng Văn Hùng

 
Tôi tin, phần đông trong số cả ngàn người đi xem xử án là để thỏa chí tò mò, để tận mắt chứng kiến cảnh bị cáo sẽ bị pháp luật trừng phạt ra sao. Và rồi vụ án cũng sẽ dần khép lại trong tâm trí của nhiều người. Với họ thế là quá đủ.
 
Thế nhưng, với gia đình nạn nhân thì nỗi đau mất đi người thân sẽ dai dẳng và ám ảnh họ suốt cuộc đời cho dù bị cáo có phải tử hình thêm vài lẫn nữa. Bản án tử hình dành cho bị cáo liệu có làm nguôi ngoai đi những tổn thương tinh thần của người con sống? Rõ ràng, chẳng có lý do gì để họ ăn mừng sung sướng khi mà trên tay đang cầm những di ảnh của người đã khuất.
 
Có người nói với tôi rằng, việc đem ra xét xử công khai đôi khi chưa hẳn là mang lại hiệu quả răn đe chung, việc giáo dục không lớn mà chỉ thỏa mãn sự trừng phạt của đám đông? Có lẽ là quá sớm để kết luận điều đó là đúng hay sai. Nhưng có một điều chắc chắn là họ - những người xung quanh đã cảm thấy hài lòng?
 
Cha mẹ bị cáo Đặng Văn Hùng cũng có mặt ở nơi xét xử. Sẽ không ai nhìn thấy họ vỗ tay. Bởi bản án của tòa án đã làm họ chết lặng trước cả “rừng” người đang đồng tình ủng hộ với phán quyết của Hội đồng xét xử. Dù bị cáo có phạm tội tày đình thì bị cáo vẫn là con của họ. Bản chất của cha mẹ là thương yêu con vô điều kiện cho dù con cái có là thế nào đi chăng nữa.
 
Nỗi đau bậc làm cha, làm mẹ ấy có thể sẽ khác với nỗi đau của gia đình các nạn nhân. Nhưng chắc hẳn họ đều có một điểm chung là không thể cười dù có thêm một người nữa phải chết...
 
Đơn giản họ mới là những người trong cuộc.
 
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

>> Kẻ "đồ tể" gây thảm án tại Yên Bái bị phạt tử hình
>> Kẻ gây ra thảm sát 4 người ở Yên Bái khó thoát án tử hình
>> Cận cảnh hành trình truy tìm hung khí vụ thảm sát Yên Bái

Theo Nhất Phiến (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật