Thảm sát Bình Phước: Lòng tham và thù hận khiến đê hèn

05/11/2015 10:34:02

Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước Lê Đức Xuân nói một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ án này do các bị can tham lam, muốn cướp tiền về tiêu xài. Ngoài ra, hành vi của Dương còn có yếu tố “đê hèn”.

Hàng loạt dấu hỏi về những bất thường của vụ thảm sát 6 người trong một gia đình đã được giải đáp trong buổi họp báo tại tỉnh Bình Phước ngày 4-11..

Cũng tại buổi họp báo, Viện KSND tỉnh Bình Phước đã chính thức công bố cáo trạng truy tố ba bị can gồm: Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (tên gọi khác là Bé, 24 tuổi, quê Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long).

Ông Lê Đức Xuân (bìa phải) - viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước - tại buổi họp báo - Ảnh: Bùi Liêm


Cả ba bị can đều bị truy tố hai tội “giết người” và “cướp tài sản”.

Nạn nhân Mỹ đã lén bỏ trốn được ra gần sân...

Cả kết luận điều tra và cáo trạng đều thống nhất vụ án chỉ có ba bị can, trong đó Dương và Tiến trực tiếp gây ra cái chết của 6 người, còn Thoại tham gia cùng Dương trước đó nhưng bất thành.

Tại họp báo, Tuổi Trẻ nêu câu hỏi: Tại sao chỉ hai bị can mà có thể khống chế rồi giết hại 6 người, trong đó có 4 người trưởng thành mà không hề bị chống cự hay phát hiện? Liệu có còn nghi can nào không, liệu có bỏ lọt tội phạm?

Thượng tá Nguyễn Văn Đợi, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước, cho biết các bị can đã chuẩn bị rất kỹ để gây án khi mua dao, băng keo, găng tay, súng chích điện... để khống chế các nạn nhân.

Ngoài ra, các nạn nhân cũng chưa có kỹ năng tốt nên đã không báo động được, khiến cho Dương và Tiến có thể tách riêng rồi giết từng người một.

Ông Đợi nêu ví dụ: khi Dương và Tiến đang mải khống chế và giết bà Ánh Nga (42 tuổi, vợ ông Mỹ) ở tầng trệt thì ông Lê Văn Mỹ (47 tuổi, chủ Công ty gỗ Quốc Anh) đã lén ra được gần đến sân.

Nhưng khi Dương quay trở lại phát hiện và hỏi “trốn à?” thì ông Mỹ không bỏ chạy mà lại quay vào nhà, sau đó bị Dương và Tiến chích điện rồi đâm chết.

Thượng tá Đợi nói trong tình huống đó, nếu ông Mỹ bỏ chạy và la lên để mọi người biết thì chí ít cũng có thể ngăn chặn được việc Dương và Tiến giết chết những nạn nhân tiếp theo (sau khi giết ông Mỹ và bà Nga, Dương và Tiến mới lên lại trên lầu giết Lê Thị Ánh Linh (20 tuổi, người yêu cũ của Dương) và Dư Ngọc Tố Như (18 tuổi, cháu của bà Nga).

Về việc một người dì của Dương đã cho Dương mượn xe để đi gây án, đồng thời cho Dương để hung khí ở phòng của mình liệu có liên quan đến vụ án hay không? Có hay không việc người dì này đã biết trước kế hoạch cướp, giết của Dương?

Thượng tá Đợi cho biết kết quả lấy lời khai và bằng chứng cho thấy mặc dù mượn xe và cất giấu đồ nhưng Dương không chia sẻ ý định với người dì này nên cơ quan điều tra xác định người dì này không liên quan tới vụ án.

Ngoài ra, một người bạn khác cùng khu trọ của Dương cũng từng được cơ quan điều tra mời lên làm việc nhưng cũng được xác định không liên quan vụ án.

Tại họp báo, cả cơ quan điều tra và Viện KSND tỉnh Bình Phước đều tái khẳng định chỉ có ba bị can Dương, Tiến, Thoại liên quan tới vụ án này.

Bảng kê các cuộc gọi và tin nhắn đến số điện thoại của nạn nhân Dư Minh Vỹ. Từ tài liệu này, cơ quan điều tra đã lần ra bị can thứ ba là Trần Đình Thoại - Ảnh: Bá Sơn


Hành động đê hèn

Tại họp báo, ông Lê Đức Xuân, viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Phước, đã lý giải nguyên nhân dẫn tới hành vi giết người tàn độc và rất quyết đoán của chủ mưu vụ án là Nguyễn Hải Dương.

Lý do nào đã khiến Dương rất quyết tâm đi cướp, giết (khi đi gây án cùng Thoại bất thành, Dương lại rủ Tiến tham gia) và trực tiếp dùng dao đâm chết cả 6 người trong gia đình bạn gái cũ?

Ông Xuân cho rằng nguyên nhân do lòng tham và quá trình hình thành nhân cách “có vấn đề” của các bị can. Ông Xuân nói một trong những nguyên nhân dẫn đến vụ án này do các bị can tham lam, muốn cướp tiền về tiêu xài.

Ngoài ra, hành vi của Dương còn có yếu tố “đê hèn” khi từ chuyện chia tay với bạn gái mà đã nảy sinh lòng thù hận và có ý định giết chết gia đình người yêu cũ.

Ông Xuân cho biết cả ba bị can đều bị truy tố tội “giết người” theo khoản 1, điều 83 Bộ luật hình sự với khung hình phạt tới tử hình. Trong đó, hành vi phạm tội của các bị can có các tình tiết tăng nặng như “giết trẻ em”, “ra tay tàn độc”...

Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bình Phước cho biết chỉ có Tiến, Thoại tỏ ra ăn năn, còn bị can Nguyễn Hải Dương không tỏ ra hối hận.

Xét xử công khai cuối tháng 11-2015

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ có cần thiết phải xét xử lưu động vụ án này hay không vì có thể gây hiệu ứng không tốt hoặc mất an ninh trật tự?

Đại diện TAND tỉnh Bình Phước tại họp báo cho biết liên ngành công an - kiểm sát - tố tụng của Bình Phước đã họp và thống nhất sẽ đưa vụ án này ra xét xử lưu động để đảm bảo tính răn đe và phòng ngừa tội phạm. Thời gian diễn ra phiên tòa dự kiến cuối tháng 11-2015.

Vết máu tố cáo Nguyễn Hải Dương

Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ việc truy tố các bị can có những chứng cứ, dấu vết hiện trường nào... để chứng minh tội phạm, nhằm tránh xảy ra oan, sai? Thượng tá Đợi cho biết sau khi đâm chết ông Mỹ thì Nguyễn Hải Dương bị thương ở tay và bị chảy máu.

Vết máu này sau đó đã được tìm thấy tại tay nắm cửa phòng của nạn nhân Linh (người yêu cũ của Dương) ở trên lầu. Kết quả giám định cho thấy vết máu này trùng khớp với ADN của Dương.

Đối với bị can Vũ Văn Tiến, kết quả giám định cũng cho thấy dấu vân tay của Tiến tại cuộn băng keo được tìm thấy ở phòng khách của ngôi nhà.

Ngoài ra, kết quả giải phẫu tử thi cũng cho thấy vết thương trên người các nạn nhân trùng khớp với con dao dính máu mà cơ quan điều tra thu giữ được của Dương và Tiến.

Về việc phát hiện bị can thứ ba là Trần Đình Thoại, trao đổi sau họp báo, thượng tá Đợi cho biết thêm: mặc dù Dương đã chuẩn bị kỹ, mua “SIM rác” để liên lạc với nạn nhân Dư Minh Vỹ ra mở cổng, nhưng vào đêm 5-7, khi cùng Thoại đi cướp, giết thì Dương lại quên “SIM rác” này ở nhà.

Vì vậy, Dương đã mượn máy của Thoại để nhắn tin và gọi điện nhiều cuộc cho Vỹ nhưng Vỹ không trả lời.

Khi phát hiện thi thể các nạn nhân, cơ quan điều tra thu giữ được điện thoại của Vỹ và đã yêu cầu trích xuất mọi cuộc gọi, tin nhắn nên truy ra được số điện thoại của Thoại.

Với các nạn nhân còn lại, sau khi gây án thì các bị can đều lấy điện thoại của nạn nhân nhằm xóa dấu vết.

>> Nghi can thứ 3 vụ thảm sát Bình Phước bị lộ vì một tin nhắn
>> Tình tiết bất ngờ nhất vụ "thảm sát ở Bình Phước": Ông Mỹ từng thoát được ra ngoài
>> Vụ thảm sát ở Bình Phước: Họp báo công bố truy tố 3 bị can

Theo Bá Sơn - Bùi Liêm - Xuân An (Tuổi Trẻ)