Không chỉ dàn cảnh ngoài đường móc ví, bọn cướp còn táo tợn xông vào nhà dân lu loa, lấy tài sản của nạn nhân.
Đang ngồi nhà, bị túm cổ áo
Ông Vũ Anh Ngọc (ngụ phường Tam Phú, quận Thủ Đức) kể: Hơn 22h hôm 12.4, khi ông đang làm việc ở trong xưởng hàn của mình trên đường Tô Ngọc Vân thì thấy hai thanh niên tấp xe lại. Một thanh niên to lớn xông vào, chỉ tay vào mặt ông hỏi: “Có phải chú đánh ba con không?”.
Trong lúc ông đang bối rối thì thanh niên đứng ngoài cầm điện thoại nói lớn: “Tôi tới rồi, có cần xử nó không?”.
Ông chưa kịp phân bua thì bị nam thanh niên túm cổ áo kéo ông ra ngoài, chỉ một quán nhậu bên đường lu loa: “Hôm qua ba con nhậu bên kia, chú đánh ba con”. Khi ông phân bua “Tao có nhậu bao giờ đâu?” thì thanh niên liên tục giằng co, sau đó bỏ đi. Khi về tới nhà, thay đồ đi tắm ông mới biết cái ví trong túi quần có hơn 4 triệu đồng đã mất tự hồi nào.
“Tôi mà biết là tụi cướp dàn cảnh thì tôi đã phang dép vào chúng nó rồi” - ông Ngọc nói.
Tương tự, chiều 27.4, ông Trần Tấn Lực (phường Linh Đông, quận Thủ Đức) ngồi ở quầy tiếp tân của một khách sạn trên đường Kha Vạn Cân thì cũng có hai thanh niên dựng xe trước cửa xông vào. Bất ngờ một người nắm cổ áo ông Lực lôi ra ngoài chửi thề và hỏi “Hôm qua sao mày đánh em tao?”, một người ôm chặt ông sau lưng. “Tôi quá bất ngờ, lại sợ bị đánh nhưng chưa kịp nói gì thì chúng buông ra rồi bỏ đi. Tôi chả hiểu gì cả. Khi hai thanh niên đi khỏi, tôi mới biết chiếc ví có hơn 1,3 triệu đồng đã bị bọn chúng lấy mất” - ông Lực kể.
Ông Trần Tấn Lực đang làm việc ở quầy tiếp tân thì kẻ gian xông vào túm áo lôi ra ngoài lu loa để móc ví. Ảnh: Lê Thoa |
Cần hô hoán để được hỗ trợ
Thiếu tá Vũ Hồng Dũng, Phó Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTXH (Công an quận Thủ Đức), cho biết: Các nghi phạm trong chuyên án mà công an vừa bắt giữ thường nhắm đến nạn nhân lớn tuổi hoặc đang trong khu vực không có người xung quanh. Chúng dàn cảnh để giằng co, thậm chí đánh, làm nạn nhân hoảng loạn để lấy tài sản.
“Chúng dùng thủ đoạn nói to là người nhà bị đánh, bạn bị đánh, anh em bị đuổi việc… để bị hại lo lắng, sợ hãi. Khi nạn nhân hoảng loạn, chỉ lo nghĩ đến việc phòng thân thì bọn chúng ra tay móc ví, tài sản” - thiếu tá Dũng nói.
Ông cũng cho hay trước đây có trường hợp kẻ gian buộc nạn nhân đưa tài sản rồi lấy đi luôn. Theo ông Dũng, có hai thanh niên quận 4 đến Thủ Đức gặp một nạn nhân hỏi: “Mày đánh em tao”. Khi nạn nhân trả lời không biết, hai người ép: “Nếu không phải thì vô đây cho em tao nhìn mặt, đưa điện thoại tao kiểm tra”. Nạn nhân quá lo sợ, đưa tài sản và bọn chúng cầm đi luôn.
Theo ông Dũng, gặp những tình huống tương tự, nạn nhân cần tri hô “cướp” để nhiều người tới giúp.
Một cán bộ điều tra thuộc Đội CSĐT tội phạm về TTXH (Công an quận 10) cũng thừa nhận thời gian gần đây xuất hiện một số vụ dàn cảnh cướp tài sản nên người dân cần đặc biệt chú ý.
La làng là cách tối ưu Chị Hồ Thị Ngọc Nh (ngụ phường 5, quận Gò Vấp) kể vài tháng trước khi chị chở em trên đường Dương Quảng Hàm thì hai thanh niên vượt lên cúp đầu xe máy, lu loa “Sao mày cướp bồ của bạn tao” rồi cả hai xông vào đánh chị. Chị kịp rút chìa khóa xe cất vào túi và kêu cứu, sau đó cả nhóm bỏ đi. Theo một cán bộ điều tra thuộc Đội CSĐT tội phạm về TTXH Công an quận 10, trường hợp đang đi xe máy mà gặp nhóm dàn cảnh (vì chúng thường đi đông) hoặc nghi ngờ, nạn nhân cần bình tĩnh, rút chìa khóa xe, không để tâm vào những lời vu oan giá họa của kẻ gian. Nạn nhân cần hô hoán, kêu cứu để tìm kiếm sự trợ giúp, hỗ trợ của những người xung quanh. |
Theo Lê Thoa - Nguyễn Tân (Pháp Luật TPHCM)